Tham gia vào quá trình lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có có công văn số 1567/TLĐ về ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ không đồng tình với mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2016 của Hội đồng Tiền lương quốc gia (tăng trung bình 12,4%) và đề xuất tăng thấp nhất 14,4%.
[Đề xuất tăng lương tối thiểu đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu]
Theo ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm 2016, kinh tế được dự báo là có nhiều triển vọng, tăng trưởng cao hơn năm 2015 và các năm trước đó, vì vậy tiền lương tối thiểu năm 2016 cần phải điều chỉnh tăng cao hơn hoặc ít nhất cũng phải bằng năm nay.
Mặt khác, để thực hiện lộ trình đến 2017, tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập vào năm 2018, Tổng Liên đoàn đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4%.
Theo điều tra của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống, 72% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống và có tới 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập phục vụ cho đời sống hàng ngày.
Trong khi đó, thực tế doanh nghiệp đã chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20-40%. Qua báo cáo của các cơ quan thuế cho biết, chi phí tiền lương hợp lý để xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiền lương thực chi cho người lao động đã cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng suất cao và chất lượng tốt. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% (tương đương mức tăng năm 2015)./