Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ở Lạng Sơn đạt hơn 32 tỷ USD

Tại những cửa khẩu đang thực hiện các hoạt động thông quan ở Lạng Sơn, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn là cửa khẩu giao thương sôi động nhất.

Công chức Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)
Công chức Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lũy kế đến giữa tháng 7 đạt trên 32 tỷ USD. Con số này khẳng định vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong giao thương biên mậu thời gian qua.

Tại những cửa khẩu đang thực hiện các hoạt động thông quan ở Lạng Sơn, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn là cửa khẩu giao thương sôi động nhất.

Qua thống kê cho thấy trung bình mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện giải quyết thông quan cho trên 800 phương tiện; trong đó xuất khẩu khoảng trên dưới 200 xe, nhập khẩu khoảng 600 xe. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, máy móc công nghiệp, đồ gia dụng tiêu dùng, linh kiện điện tử…

Ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, đánh giá từ đầu năm đến nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đơn vị tăng đều, hoạt động biên mậu diễn ra sôi động, đặc biệt là thời điểm tháng 4 và tháng 5 bởi đây là thời điểm thu hoạch nông sản của một số tỉnh thành trong nước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã xây dựng nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó chủ đạo là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng cửa khẩu như biên phòng, kiểm dịch, trung tâm quản lý cửa khẩu… để phân vùng ưu tiên hàng hóa.

Còn tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh-Pò Chài, số phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu thông quan trung bình khoảng 400 xe.

Để thúc đẩy thông quan nhanh chóng và thuận lợi, rút ngắn thời gian lưu bến bãi, giảm chi phí cho doanh nghiệp nhất là những mặt hàng hoa quả tươi và nông sản xuất khẩu, Chi cục Hải quan Tân Thanh và lực lượng Bộ đội biên phòng Tân Thanh đã tạo luồng "xanh" ưu tiên giải quyết các thủ tục. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn lập các tổ hỗ trợ để bám sát hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, qua đó hỗ trợ tối ưu nhất về thủ tục thông quan.

Đại úy Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh, cho biết hàng ngày lực lượng bộ đội biên phòng phân công ra các vị trí đã được xây dựng để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và cơ động người và phương tiện ra vào khu vực cửa khẩu. Đồng thời phân luồng giảm thiểu ùn ứ phương tiện chở hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, hoa quả tươi.

Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh, trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 1.150 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua đây, tăng gần 400 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số thu trong 6 tháng đầu năm 2024 của Chi cục đạt hơn 205 tỷ đồng (vượt hơn 145 tỷ đồng so với chỉ tiêu giao năm 2024). Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện những thành công nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, sự thay đổi trong cơ chế chính sách xuất nhập khẩu, cũng như hoạt động của hệ thống VNACSS/VCIS (khai báo hải quan điện tử) do lực lượng hải quan vận hành.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh Vũ Văn Bình cho hay đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh và thường xuyên bám sát hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, xử lý những phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa. Cùng đó thực hiện hiệu quả việc tiếp xúc, mời gọi doanh nghiệp thực hiện mở tờ khai, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Mục tiêu năm 2024 của Lạng Sơn là đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa các loại hình qua địa bàn đạt từ 50 tỷ USD trở lên.

ttxvn-tan thanh.jpg
Phương tiện chở nông sản vào khu vực phi thuế quan cửa khẩu Tân Thanh đỗ chờ xuất khẩu. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Cùng với những giải pháp trực tiếp từ các lực lượng tại cửa khẩu, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cũng triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy hoạt động kinh tế biên mậu; đơn cử là phối hợp với các ban ngành có liên quan để tổ chức hội đàm, trao đổi thư công tác, tiến tới thống nhất với phía Trung Quốc thực hiện tăng thêm thời gian thông quan hàng hóa khi lượng phương tiện tăng cao; phối hợp tổ chức lễ công bố mở chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc; lối thông quan Tân Thanh-Pò Chài; lối thông quan Cốc Nam-Lũng Nghịu thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) vào tháng 5/2024…

Đặc biệt, đầu tháng 7, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đã cùng hội đàm với lực lượng chức năng phía Trung Quốc để thống nhất việc khôi phục phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam)-Ái Điểm (Trung Quốc) như trước khi có dịch COVID-19.

Các phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được sang bến bãi của Trung Quốc để giao hàng và phương tiện chở hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc được sang bến bãi Việt Nam giao hàng. Việc khôi phục phương thức giao nhận hàng hóa trên đã giúp các thương nhân, doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí xuất nhập khẩu phát sinh, đồng thời phát huy và tận dụng được tối đa năng lực của cặp cửa khẩu song phương này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục