Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng vượt 394 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng ước đạt 394,11 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng vượt 394 tỷ USD ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng ước đạt 394,11 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017 (tương ứng tăng 45,38 tỷ USD).

Đáng chú ý, thặng dự thương mại của Việt Nam duy trì ở mức cao nhất từ trước đến nay khi vượt con số 6 tỷ USD.

Xuất siêu vượt 6,4 tỷ USD

Cụ thể hơn, theo Bộ Công Thương, trong tháng 10/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 200,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 143,45 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Thống kê cho thấy, nhóm hàng nông lâm thủy sản đem về khoảng 22,2 tỷ USD sau 10 tháng và tăng 2,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ghi nhận, hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Đơn cử mặt hàng Điện thoại và linh kiện đạt 40,7 tỷ USD, tăng 10,6%; hàng dệt may đạt 25,2 tỷ USD, tăng 17,1%. Ngoài ra, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện cũng đạt 24,3 tỷ USD, tăng 15,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 13,5 tỷ USD, tăng 28,3% và giày dép đạt 13 tỷ USD, tăng 9,7%.

Qua 10 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 39,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 34,6 tỷ USD, tăng 9,0%, trong khi thị trường Trung Quốc đạt 33,1 tỷ USD, tăng 25,1%.

Trong khi đó, tại thị trường ASEAN xuất khẩu cũng đem về khoảng 20,4 tỷ USD, tăng 13%, ngoài ra Nhật Bản đạt 15,26 tỷ USD, tăng 10,2% và Hàn Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường:

Ở chiều ngược lại, sau 10 tháng, Việt Nam đã chi khoảng 193,84 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 172,34 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017 và Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 12,73 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa cả nước trong 10 tháng đầu năm 2018 tiếp tục duy trì ở mức cao khi đạt con số 6,42 tỷ USD.

Doanh nghiệp nội giữ nhịp tăng trưởng

Với mức tăng trưởng lên tới 14,2%, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng năm 2018 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8-10% trong năm 2018 và tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã hoàn thành 84,6% mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, tương ứng từ 239-240 tỷ USD.

Ước tính nhóm hàng nông sản, thủy sản trong năm 2018 có thể đạt 27,45 tỷ USD, tăng 5,3%; Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 3,8% và nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 197,11 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cả năm 2018 được dự báo ở mứct 237 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2017. Như vậy, cán cân thương mại năm 2018 có thể tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu khoảng 2-3 tỷ USD.

Bộ Công Thương cũng cho biết, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã duy trì cao hơn khối FDI.

"Trong 10 tháng đầu năm 2018, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 56,8 tỷ USD, tăng 16,8%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI," đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương thông tin thêm.

Nhìn nhận bức tranh kinh tế những tháng vừa qua, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cũng ghi nhận những đóng góp khá đồng đều ở cả 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ).

Ông cũng nhấn mạnh những tín hiệu tích cực về cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian qua, theo đó việc xuất siêu liên tục ở quy mô lớn đã thể hiện sự cố gắng của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu./.

Lợi ích của Việt Nam khi tham gia hiệp định CPTPP. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục