Tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13

Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 đã trao giải thưởng cho 90 giải pháp bao gồm 6 giải Nhất, 12 giải Nhì, 24 giải Ba và 48 giải Khuyến khích.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho sáu cá nhân, tập thể đoạt giải Nhất của Hội thi. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tối 29/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, biểu dương những thành tích đã đạt được của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cũng như những cá nhân đứng đầu các tổ chức đã phối hợp làm nên Hội thi.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh sản xuất phải đi đôi với khoa học, khoa học đi đôi với sáng tạo. Người Việt Nam có thể sáng tạo những sản phẩm không thua kém nước ngoài, như máy chọn lọc tôm với công suất lớn hơn máy nhập khẩu 10% nhưng giá chỉ bằng 50%, lốp không săm có thể thay thế hàng ngoại nhập.

Niềm vui là năm 2015, Việt Nam đứng thứ 7 về thu nhập trong số 10 nước ASEAN, nhưng theo công bố của Tổ chức sáng tạo thế giới, chỉ số năng lực sáng tạo của người Việt Nam đứng hàng thứ 3.

Thành phố nhỏ như Đà Nẵng có tới 10 đề tài được giải; Thừa Thiên-Huế vốn có thế mạnh về khoa học xã hội, nhưng đứng hàng thứ 2 với bảy đề tài được giải; tỉnh Thái Bình là vùng đất lúa nhưng có tới 6/13 đề tài đoạt giải... Giới khoa học thành phố Hà Nội chỉ gửi được hai đề tài đạt một giải thưởng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân mong rằng các cuộc thi sẽ góp phần làm cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp quan tâm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của người Việt Nam, đấy là con đường chi phí thấp nhưng hiệu quả cao.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị mỗi năm nên chọn ra những công trình khoa học, con người tiêu biểu nhất để làm cuốn Sách Vàng Việt Nam sáng tạo. Cứ mỗi năm nước Việt Nam thêm một tuổi, thêm một công trình, gương mặt sáng tạo kèm theo thông tin những chính sách mới nhất về khoa học công nghệ, danh sách những giải thưởng quốc tế mà người Việt Nam đạt được.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh, Trưởng ban Tổ chức, cho biết Hội thi lần thứ 13 năm 2015 đã có những bước tiến quan trọng. Kết quả là đã có 52 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng gửi công trình, giải pháp tham dự. Ngoài ra, một số cá nhân đã gửi trực tiếp cho Ban Tổ chức Hội thi.

Các giải pháp dự thi được chia theo sáu lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y dược; giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác.

Các tỉnh có nhiều giải pháp dự thi như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình, Quảng Ninh, Bình Dương, An Giang, Phú Yên, Cần Thơ, Bình Phước... Các đơn vị đoạt nhiều giải là thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Thái Bình, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bộ Quốc phòng... Tây Ninh có ba giải pháp dự thi thì cả ba giải pháp đoạt giải.

Ban Tổ chức Hội thi đã trao giải thưởng cho 90 giải pháp bao gồm 6 giải Nhất, 12 giải Nhì, 24 giải Ba và 48 giải Khuyến khích.

Sáu giải Nhất thuộc về giải pháp "Nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện công nghệ sản xuất lốp máy bay bom hơi không có săm" do tiến sỹ Nguyễn Hữu Đoàn, Viện Kỹ thuật phòng không không quân, Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm; giải pháp "Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục" do cử nhân Mai Thị Bính Nguyện, Trường Trung học cơ sở An Vũ, Thái Bình, làm chủ nhiệm; giải pháp "Kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên (hậu môn và âm đạo) điều trị ung thư đại trực tràng" do phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Khoa ngoại nhi, cấp cứu bụng, Bệnh viện Trung ương Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, làm chủ nhiệm; giải pháp "Chế tạo khối điều khiển đo lường và hiển thị cho thiết bị hiệu chỉnh EOP2 + (031CE273PE) do đ ại úy, t hạc sỹ Hà Trung Hữu, Nhà máy Z181, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng, làm chủ nhiệm; giải pháp "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao máy phân cỡ tôm điện tử phục vụ trong công nghiệp chế biến thủy sản thay thế máy nhập ngoại" do kỹ sư Nguyễn Thành Chương, Công ty cổ phần Công nghệ QCM-Đà Nẵng làm chủ nhiệm; giải pháp "Nghiên cứu sản xuất vắc xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu ở lợn" do tiến sỹ Nguyễn Đức Tân, phân viện Thú y Miền Trung, Khánh Hòa, làm chủ nhiệm.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao thưởng cho kỹ sư Nguyễn Thành Chương, Công ty cổ phần Công nghệ QCM-Đà Nẵng.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng Bằng khen cho sáu cá nhân là chủ nhiệm của sáu giải pháp đoạt giải Nhất. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo cho 63 cá nhân là các chủ nhiệm có các công trình đoạt giải Nhất, Nhì, Ba.

Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng tám Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các tác giả của sáu công trình đoạt giải Nhất và 30 Bằng khen cho các tác giả của các công trình đoạt giải Nhì và Ba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục