Tổng kết dự án phòng, chống HIV/AIDS do WB và Anh tài trợ

Hội nghị Tổng kết Dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do WB và DFID tài trợ với hơn 75 triệu USD, tổ chức ngày 29/11, tại Đà Nẵng.
Một cơ sở điều trị Methadone tại quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 29/11, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tài trợ.

Tham dự Hội nghị có bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối danh mục đầu tư và hoạt động dự án chương trình Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới, lãnh đạo Bộ Y Tế, Cục Phòng chống HIV/AIDSS.

Dự án "Phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam" do WB và DFID tài trợ, có tổng kinh phí viện trợ hơn 75 triệu USD, được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố triển khai 32.

Giai đoạn một, từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2010 (kinh phí viện trợ 35 triệu USD, vốn đối ứng 3,5 triệu USD, diện triển khai 20 tỉnh, thành phố).

Giai đoạn hai, từ tháng 7/2010 đến 31/12/2013 (kinh phí viện trợ hơn 27 triệu USD, vốn đối ứng gần 2,5 triệu USD, diện triển khai 32 tỉnh, thành phố).

Mục tiêu chung của Dự án góp phần không chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Dự án tập trung can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Kết quả đã góp phần cải thiện tình hình nhiễm HIV trong nhóm quần thể nguy cơ cao; thay đổi nhận thức và tăng cường tham gia của các cấp chính quyền, ban ngành; thay đổi về nhận thức và hành vi trong nhóm nguy cơ.

Theo báo cáo đánh giá, sau 7 năm can thiệp, về cơ bản Dự án đã đạt 4/5 mục tiêu đề ra, thể hiện qua sự cải thiện mạnh mẽ của 10 chỉ số chính theo dõi của dự án và phần lớn các chỉ số này đạt chỉ tiêu cuối kỳ của dự án.

Các mục tiêu được thực hiện thành công bao gồm mục tiêu: triển khai các can thiệp phù hợp cho nhóm nguy cơ cao; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS; cải thiện hệ thống theo dõi và đánh giá các chương trình phòng chống HIV/AIDS; tăng cường năng lực cho cán bộ các cấp về kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.

Riêng mục tiêu xây dựng mô hình lồng ghép dự phòng và điều trị HIV/AIDS tại các Trung tâm 05-06 không thành công do số lượng bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại các Trung tâm quá ít, không đủ để triển khai mô hình.

Hành vi tiêm chích an toàn và tình dục an toàn của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương đã được cải thiện. Tỷ lệ người nghiện chích ma túy báo cáo luôn sử dụng bơm kim tiêm sạch trong một tháng qua là 82,7% và tỷ lệ phụ nữ mại dâm có sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với khách hàng trong lần quan hệ tình dục gần nhất là 85,2%, vượt chỉ tiêu cuối kỳ của dự án (70% và 80%).

Dự án đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Y Tế triển khai thành công mô hình thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Hải Phòng năm 2008.

Đến cuối tháng 12/2012, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện của dự án đã được triển khai ở 7 tỉnh, thành phố và điều trị cho gần 1.900 người nghiện chích ma túy. Các cơ sở điều trị methadone đã đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện chích ma túy, gia đình họ nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo chính quyền, ban ngành các cấp và toàn thể cộng đồng xã hội tại các tỉnh, thành phố dự án./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục