Tổng kết các hoạt động của hơn 50 ủy ban, nhóm công tác APEC

Các quan chức cao cấp APEC đã tổng kết toàn bộ các hoạt động của hơn 50 ủy ban, nhóm công tác của APEC trong năm 2017 nhằm triển khai chủ đề Năm APEC 2017 và bốn ưu tiên hợp tác.
Tổng kết các hoạt động của hơn 50 ủy ban, nhóm công tác APEC ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: TTXVN)

Trưa 7/11, tại Đà Nẵng, Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp APEC (CSOM), sự kiện đầu tiên của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đã bế mạc.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, chốt lại toàn bộ các công tác chuẩn bị cuối cùng cho Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25.

Trong hai ngày họp, các quan chức cao cấp APEC đã tổng kết toàn bộ các hoạt động của hơn 50 ủy ban, nhóm công tác của APEC trong năm 2017 nhằm triển khai chủ đề Năm APEC 2017 và bốn ưu tiên hợp tác.

Hội nghị đánh giá cao những bước tiến tích cực của các thành viên trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động chung của APEC, nhất là về phát triển nguồn nhân lực và hợp tác giáo dục; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vươn ra thị trường toàn cầu; vấn đề khởi nghiệp và sáng tạo của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; cải cách cơ cấu kinh tế.

Hội nghị cũng đánh giá cao kết quả của các hội nghị cấp Bộ trưởng được tổ chức từ sau Hội nghị SOM 3 đến nay, nổi bật là việc thông qua Tuyên bố Cần Thơ về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khởi sắc hơn, các quan chức cao cấp đã thảo luận về các nỗ lực duy trì thương mại mở và tự do, thuận lợi hóa đầu tư và việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Hội nghị đã thông qua Lộ trình về kinh tế mạng và kinh tế số để báo cáo lên các Bộ trưởng APEC; đánh giá cao các sáng kiến của Việt Nam về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực cho các thành viên trong kết nối chuỗi cung ứng, và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại châu Á-Thái Bình Dương, góp phần giữ đà hội nhập, liên kết kinh tế khu vực. Nhiều thành viên cũng bày tỏ ủng hộ các nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Để đóng góp vào các nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của Diễn đàn, các quan chức cao cấp hoan nghênh Kế hoạch hành động chung của Ủy ban kinh tế (EC) với tiến trình các quan chức cao cấp Tài chính (SFOM), Khuôn khổ APEC-OECD về đánh giá chính sách cạnh tranh, và nhất trí duy trì hoạt động lâu dài của Cơ quan hỗ trợ chính sách của APEC (PSU).

Hội nghị nhất trí trình lên các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC xem xét một số văn kiện mang tính chiến lược, định hướng cho hợp tác dài hạn của APEC trong những thập niên tới.

Ngày 8/11, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ tiếp tục diễn ra với Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế lần thứ 29./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục