Tổng hợp thông tin tình hình dịch COVID-19 trong ngày tại Việt Nam

Tri ân các y, bác sỹ hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch, hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em, các thông tin về độ an toàn khi tiêm vaccine là những sự kiện y tế nổi bật trong ngày 29/10.
Tổng hợp thông tin tình hình dịch COVID-19 trong ngày tại Việt Nam ảnh 1Các y bác sỹ Hải Phòng phấn khởi khi hoàn thành công tác phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh trở về. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 28/10 đến 16 giờ ngày 29/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.899 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh; 4.889 ca ghi nhận trong nước (tăng 13 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 2.305 ca trong cộng đồng).

13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Thành phố Hồ Chí Minh (430.059), Bình Dương (231.721), Đồng Nai (64.412), Long An (34.632), Tiền Giang (16.199).

Trong ngày 29/10 đã có 2.169 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 816.132 trường hợp.

Tính từ 17h30 ngày 28/10 đến 17h30 ngày 29/10 ghi nhận 56 ca tử vong. Tổng số tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.  

Trong ngày 29/10 có 1.712.435 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 78.940.403 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 55.578.783 liều, tiêm mũi 2 là 23.361.620 liều.

Tri ân các y, bác sỹ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 29/10, tại Bộ Y tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã làm việc với Bộ Y tế, bày tỏ lời cảm ơn, tri ân đến lực lượng thầy thuốc đã tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm nên đã trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt, có đau thương, mất mát vô cùng lớn và cả những khoảnh khắc bi hùng, xúc động.

Để được giây phút bình yên này, Đảng bộ và nhân dân thành phố trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, Bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố, sự chia sẻ, đóng góp, giúp đỡ của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp…

[Ngày 29/10: Hà Nội thêm 47 ca mắc COVID-19, trong đó 5 ca cộng đồng]

Đây là yếu tố quan trọng, quyết định để Thành phố Hồ Chí Minh có được kết quả chống dịch như ngày hôm nay. Thay mặt Đảng bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bí thứ Thành ủy Nguyễn Văn Nên trân trọng ghi nhận, cảm ơn sự đoàn kết, chung sức của tất cả các lực lượng xã hội với tinh thần “cả nước vì thành phố.”

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ tình cảm sâu sắc, lòng cảm ơn chân thành đến đội ngũ những người thầy thuốc-chiến sỹ áo trắng đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch.

Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, tấm lòng, nghĩa cử, sự hy sinh, vượt mọi khó khăn, 25.000 người đã tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đợt huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử hơn 40 năm qua.

Trong trận tuyến chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện những tấm gương hy sinh âm thầm, lặng lẽ, ngành y tế cả nước kề vai, sát cánh, đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn, thử thách.

“Có thể năm tháng sẽ đi qua, nhưng những tấm gương như vậy vẫn còn mãi. Lịch sử sẽ tri ân và tiếp tục ghi vào trang sử của ngành y tế mai sau," Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ. 

Hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi

Chiều 29/10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Tổng hợp thông tin tình hình dịch COVID-19 trong ngày tại Việt Nam ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tại Việt Nam, Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi triển khai trên toàn quốc từ tháng 11, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.

Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu. Vaccine sử dụng tiêm chủng cho trẻ 12 -17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

Không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen

Tại buổi tập huấn do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, chiều 29/10, trả lời câu hỏi "liệu tiêm vaccine phòng COVID-19 có gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ hay không," Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định, vaccine sử dụng tiêm phòng cho trẻ là vaccine Pfizer và Moderna đã được phê duyệt có thành phần mRNA của virus hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen, hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khỏe sinh sản (rối loạn vô sinh) rồi bệnh ung thư... như các phụ huynh đang lo lắng. "Cho đến hiện nay, chúng tôi chưa nhìn thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vaccine của hai nhà sản xuất này với sức khỏe."

Liên quan đến việc cung ứng vaccine, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng cho biết: Hiện nay việc cung ứng vaccine đỡ căng thẳng hơn giai đoạn đầu. "Chúng tôi mong muốn các nhà cung ứng vaccine đúng hợp đồng, theo lịch. Với tiến độ cung ứng và tiêm vaccine như hiện nay, chúng tôi hy vọng có thể hoàn thành được mục tiêu bao phủ vaccine cho hầu hết người dân Việt Nam trong năm nay. Nếu vaccine được cung cứng đủ trong tháng 12 và đầu năm 2022 thì chúng ta sẽ sớm bao phủ được vaccine cho người lớn và cho trẻ," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng cho biêt.

Hướng dẫn trường hợp trẻ đủ điều kiện hoặc thận trọng khi tiêm vaccine

Ngày 29/10, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em."

Tại Quyết định này, Bộ Y tế bổ sung Bảng kiểm trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em được ban hành kèm theo Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.

Theo đó, ở phần sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em gồm có các công việc như đo thân nhiệt, nhịp tim.

Có 8 yếu tố mà người khám sàng lọc cần quan tâm tiền sử phản vệ với vaccine phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng COVID-19; đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…); các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).

Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ trẻ đủ điều kiện tiêm chủng ngay là khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chống chỉ định tiêm vaccine cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng COVID-19.

Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển.

Thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.

Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục