Tổng Giám đốc WHO nêu bật ba bài học từ đại dịch COVID-19

COVID-19 đã tấn công cả những quốc gia giàu có và cường quốc lớn nhất trên thế giới, đẩy các nước vào thế không sẵn sàng và để lộ sự thất bại chung trong việc đầu tư vào năng lực chuẩn bị khẩn cấp.
Tổng Giám đốc WHO nêu bật ba bài học từ đại dịch COVID-19 ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 18/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định cho đến nay, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã để lại ba bài học cho tất cả các nước thành viên của WHO cũng như Liên hợp quốc.

Phát biểu tại phiên họp 148 của ban lãnh đạo WHO, ông Tedros cho rằng trước hết, các nước cần có sự khiêm tốn học hỏi, thay đổi, đổi mới và phát triển.

Ông Tedros nêu rõ bài học đầu tiên chính là sự chuẩn bị và ứng phó đối với đại dịch, bởi dịch bệnh COVID-19 đã bất ngờ tấn công cả những quốc gia giàu có và cường quốc lớn nhất trên thế giới, đẩy các nước vào thế không sẵn sàng và để lộ sự thất bại chung trong việc đầu tư vào năng lực chuẩn bị khẩn cấp.

[WHO kêu gọi đảm bảo phân phối công bằng vắcxin COVID-19]

Ông Tedros thừa nhận các công cụ trước đây như Đánh giá bên ngoài chung dựa trên đánh giá của các chuyên gia về năng lực chuẩn bị quốc gia, dù có giá trị nhưng lại không đủ cho đại dịch.

Do đó, ông đề xuất một cơ chế mới có tên gọi Đánh giá Y tế và Sự chuẩn bị trên toàn cầu, để tăng cường năng lực chuẩn bị dựa trên lòng tin và trách nhiệm giải trình chung.

Bài học thứ hai là sức khỏe của con người, động vật và hành tinh có mối liên hệ mật thiết.

Hơn 70% các căn bệnh mới được phát hiện trong những năm gần đây có liên quan đến sự lây truyền từ động vật sang người. Vì vậy, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người thông qua việc tăng cường giám sát và quản lý rủi ro dựa trên mối liên hệ giữa con người, động vật và hệ sinh thái.

Tổng Giám đốc WHO nêu bật ba bài học từ đại dịch COVID-19 ảnh 2Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh đó, thế giới cần giải quyết hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con người, động vật và hành tinh như nạn phá rừng, thâm canh, sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Bài học cuối cùng từ dịch COVID-19 là thế giới cần một WHO mạnh mẽ. Các nước thành viên đều tin rằng một trong những rào cản lớn nhất đối với WHO chính là năng lực cung cấp tài chính bền vững.

Đối với vấn đề này, ông Tedros đã đề nghị quỹ WHO Foundation cấp 1 tỷ USD trong 3 năm tới, trong đó 70-80% số tiền này sẽ dành cho WHO, trong khi số tiền còn lại cho các tổ chức y tế công sẽ tập trung vào xã hội dân sự.

Tổng Giám đốc Tedros nhận định dù đã một năm kể từ khi thế giới bước vào cuộc khủng hoảng lớn nhất của thời đại, nhưng các nước vẫn đang đối mặt với rủi ro không thể lường trước.

Bên cạnh đó, thế giới cũng có cơ hội chưa từng thấy để biến y tế thành động lực phát triển, nền tảng của một thế giới an toàn và công bằng hơn.

Về tình hình dịch bệnh, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết sau hai tuần ghi nhận số ca nhiễm mới giảm đi vào cuối năm 2020, nhiều khả năng do đợt nghỉ lễ, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lại tăng lên trong những tuần đầu của năm 2021.

Ước tính thế giới đã ghi nhận thêm 5 triệu ca nhiễm trong tuần trước. Ông Ryan cảnh báo số ca tử vong mới cũng ghi nhận xu hướng tương tự, với 93.000 ca tử vong mới trong tuần trước và con số này nhiều khả năng sẽ sớm lên 100.000 ca/tuần.

Bên cạnh đó, ông Ryan nhấn mạnh dù 84% số ca tử vong là những người trên 65 tuổi, song có tới 16% số ca tử vong nằm trong độ tuổi từ 25-64. Những nước có số ca nhiễm càng cao thì nguy cơ tử vong do dịch bệnh càng lớn.

Liên quan vấn đề vắcxin, Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết tổ chức này đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với hãng dược phẩm Pfizer để đưa vắcxin của hãng vào cơ chế COVAX do WHO khởi xướng nhằm đẩy nhanh công tác phân phối đến các nước nghèo.

Cố vấn Aylward khẳng định WHO đang thảo luận chi tiết với Pfizer, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tổ chức này sẽ sớm tiếp cận được sản phẩm.

Theo kế hoạch, việc phân phối vắcxin theo cơ chế COVAX tới những nước nghèo và thu nhập trung bình sẽ bắt đầu từ tháng 2, với khoảng 2-3 tỷ liều vắcxin được phân phối trong năm nay.

COVAX đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 3, có thể phân phối 135 triệu liều vắcxin tới 92 nước thu nhập thấp và trung bình trong chương trình.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ 30 ngày 19/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 96 triệu ca nhiễm và 2.049.238 ca tử vong do COVID-19.

Theo thống kê của WHO đến ngày 15/1, tổng cộng có 237 loại vắcxin ngừa COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó có 64 loại đang được thử nghiệm lâm sàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục