Tổng giám đốc WHO cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc về vắcxin"

Theo Tổng giám đốc WHO, cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả vắcxin phòng COVID-19 là chủng ngừa cho một số người tại tất cả các nước, hơn là cho tất cả mọi người tại một số nước.
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 tại một công ty công nghệ sinh học ở Strelna, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi đoàn kết toàn cầu trong việc phân phối vắcxin ngừa COVID-19 trong tương lai khi có vắcxin này, bối cảnh số ca mắc gia tăng nhanh chóng trên khắp thế giới.

Trong bài phát biểu phát trực tuyến khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới lần thứ 12 ở Berlin (Đức), ông Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đoàn kết và chia sẻ vắcxin là cách duy nhất để thế giới phục hồi từ đại dịch này.

Theo Tổng giám đốc WHO, việc các quốc gia muốn bảo vệ công dân của nước mình trước tiên là điều hiển nhiên, nhưng khi thế giới có một loại vắcxin phòng COVID-19 hiệu quả thì cũng phải sử dụng vắcxin đó một cách hiệu quả. Và cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả là chủng ngừa cho một số người tại tất cả các nước, hơn là cho tất cả mọi người tại một số nước. Ông Ghebreyesus cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc về vắcxin sẽ chỉ kéo dài đại dịch COVID-19."

Các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua để phát triển vắcxin ngừa COVID-19, trong bối cảnh đại dịch đã khiến hơn 43 triệu người mắc bệnh và hơn 1,1 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu.

Một số "ứng cử viên" vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó 10 loại đang thử nghiệm ở giai đoạn ba với sự tham gia của hàng chục nghìn tình nguyện viên.

Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh, Nhật Bản và một số nước khác đã đặt mua lượng lớn vắcxin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm phát triển các vắcxin tiềm năng nhất. Tuy nhiên, giới chuyên gia quan ngại rằng những quốc gia với khả năng tài chính hạn chế có nguy cở bị thụt lùi phía sau trong việc mua vắcxin ngừa COVID-19.

[EU nỗ lực đảm bảo nguồn cung vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19]

Trước quan ngại này, WHO đã triển khai một cơ chế quốc tế có tên COVAX nhằm đảm bảo việc tiếp cận vắcxin công bằng giữa các nước, song gặp khó khăn trong việc gây quỹ.

WHO ngày 25/10 đã cảnh báo về tốc độ lây lan COVID-19 khi ba ngày liên tiếp nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục. Riêng trong ngày 24/10 thế giới ghi nhận 465.319 ca mắc mới, một nửa trong số này tập trung tại châu Âu.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO khẳng định thế giới "không bất lực trước virus SARS-CoV-2," theo đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp đúng đắn, kịp thời và tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, khử khuẩn, tổ chức sự kiện ngoài trời thay vì trong nhà... Ông nêu rõ với những biện pháp này có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Cũng phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng lớn nhất" của lịch sử hiện đại.

Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục