Ngành dệt may Việt Nam trong năm 2014 có sự tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 24,5 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2013 (chỉ đứng sau xuất khẩu điện thoại và linh kiện). Với điều kiện thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong năm 2015 ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 28 - 28,5 tỷ USD.
Trước những cơ hội và thách thức của ngành dệt may trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam để hiểu rõ hơn về việc điều hành sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.
- Xin ông cho biết để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra trong năm nay, ngay từ đầu năm ngành dệt may đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào?
Ông Lê Tiến Trường: Trong năm 2014, xuất khẩu đi các thị trường truyền thống của ngành dệt may đều tăng trưởng tốt như thị trường Mỹ tăng 12,6%, châu Âu tăng 16,9%, Nhật Bản tăng 8,8%, Hàn Quốc tăng 26,6%.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) từ năm ngoái đã bắt đầu thực hiện nhiều dự án dệt 100% vốn cũng như hợp tác với các công ty khác nhằm đón đầu Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, lượng vải được tập đoàn sản xuất dự kiến chỉ dùng để cung ứng cho các công ty thành viên, liên kết của tập đoàn mà không bán ra thị trường.
Từ năm 2013, Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may, và 7 dự án khác (hạ tầng, trường đào tạo...), với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án, năng lực sản xuất vải của Vinatex tăng thêm 100 triệu mét, nâng năng lực sản xuất vải của toàn tập đoàn lên 300 triệu mét, có khả năng đáp ứng 50-60% nhu cầu của toàn tập đoàn. Riêng Tổng công ty Cổ phần may Việt Tiến mỗi năm đã cần khoảng 100 triệu mét vải để sản xuất hàng may mặc.
Có thể thấy, với sự lớn mạnh liên tục, ngành dệt may Việt Nam đang là đối tượng cạnh tranh trên toàn thế giới, vì thế việc đổi mới, sáng tạo đang là áp lực đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Nhằm thích nghi tốt trong điều kiện mới, Vinatex đang đầu tư theo chuỗi từ sợi, dệt, nhuộm. Điều này có tác dụng tích cực cho ngành, giúp chủ động nguồn nguyên liệu và hạn chế nhập siêu.
Quan trọng hơn, với việc chủ động nguồn vải, sản phẩm của các doanh nghiệp sẽ đáp ứng được điều kiện xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, vải là sản phẩm cạnh tranh của Vinatex.
- Từ đầu năm 2014, Vinatex đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, xin ông cho biết những yêu cầu của cổ đông đối với ban lãnh đạo tập đoàn như thế nào để có thể thực hiện các kế hoạch đã đặt ra?
Ông Lê Tiến Trường: Từ ngày 01/2/2014, Vinatex chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần, với sự kiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công và đại hội cổ đông lần đầu được đánh giá cao, theo đó Hội đồng quản trị tăng lên 7 thành viên, trong đó có 2 người đến từ ngoài ngành.
Về tái cơ cấu, Vinatex có 37 điểm thoái vốn theo quyết định 320 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã hoàn thành 21 điểm, tổng cộng lượng thoái vốn của tập đoàn dệt may là hơn 1.100 tỷ đồng thì đã thoái và thu về được gần 1.000 tỷ đồng, hiện chỉ còn khoảng 160 tỷ đồng phải thoái trong năm 2015.Đáng chú ý, trong 21 đơn vị trên tập đoàn đã hoàn thành việc thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính và ngân hàng, chứng khoán.
Năm 2014, lợi nhuận của tập đoàn là 1.334 tỷ đồng, tăng 5% so với năm ngoái. Mô hình cổ phần trong đại hội cổ đông có phê duyệt chiến lược hoạt động của công ty theo hướng tập trung sản xuất theo hướng ODM (sản xuất trọn gói kèm thiết kế) và có phần tập trung sản xuất do chính tập đoàn quay trở lại đầu tư 100%.
Nhìn lại lịch sử, trước đây Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoạt động theo hình thức gom các doanh nghiệp đã có sẵn của Trung ương và một số địa phương để hình thành một doanh nghiệp dệt may, lúc đó các công ty con, tự sản xuất còn tập đoàn khi thành lập năm 1995 chỉ mang tính chất hành chính, thay thế cho Bộ Công nghiệp nhẹ trước đây để quản lý vốn nhà nước ở các nơi.
Ngay khi các công ty thành viên cổ phần hóa thì phần còn lại của vốn nhà nước ở đó, nơi thì 30%, nơi thì 40% hoặc có thể là 60%, do vậy trách nhiệm của công ty mẹ là quản trị phần vốn nhà nước đó, quản trị người nắm giữ vốn ở các công ty thành viên qua đó đặt ra các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh, chế độ đối với người lao động và cổ tức của công ty con.
Tuy nhiên, trong mô hình tập đoàn cổ phần mới nhằm tăng tốc đầu tư để đáp ứng theo mô hình sản xuất ODM của tập đoàn thì có thêm một phần việc nữa là tập đoàn công ty mẹ tự đầu tư 100% vốn để hình thành năng lực sản xuất trực thuộc công ty mẹ 100% ngay từ đầu qua đó hình thành chuỗi. Như vậy đã chuyển từ mô hình chỉ quản lý về mặt hành chính sang mô hình kết hợp vừa quản lý phần vốn trực tiếp tại công ty cổ phần, vừa đầu tư trực tiếp 100% vốn để quản trị sản xuất và kinh doanh tại các công ty mới này.
Hiện tải có nhà máy sợi Phú Hưng có 100% vốn của tập đoàn, ngoài ra Vinatex còn có nhà máy may Kiên Giang, sợi Phú Cường, khu đầu tư vải tại Đà Nẵng... đây là bước chuyển này rất lớn, bởi lẽ nếu để riêng biệt các công ty thì có thể thấy phần vốn tại 1 công ty dệt may rất nhỏ, lớn như Việt Tiến quy mô vốn cũng chỉ 200 tỷ đồng, May 10 chỉ hơn 100 tỷ đồng, Nhà Bè chỉ hơn 100 tỷ đồng hoặc cao nhất như dệt Phong Phú vốn cũng chỉ 700 tỷ đồng, nếu quy mô vốn như vậy mà đầu tư vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đặc biệt là đầu tư vào khâu nguyên liệu ODM nhằm đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay là rất khó.
Đơn cử, nếu làm 10.000 cọc sợi đã mất 6 triệu USD trong khi chương trình đầu tư sợi của Tập đoàn Dệt may khoảng 250.000 cọc tương ứng 150 triệu USD, như vậy vốn của các doanh nghiệp đơn lẻ không đảm nhận nổi, do vậy phải cần sự đầu tư lớn hơn của công ty mẹ, tiến tới hình thành chuỗi sản xuất khép kín, qua đó giảm nhập siêu.
- Xin cảm ơn ông!