Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark thăm các nước vùng dịch Ebola

Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark có chuyến thăm ba nước tâm dịch Ebola bao gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone từ 11-18/2 tới.
Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark thăm các nước vùng dịch Ebola ảnh 1Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark. (Nguồn: undp)

Theo Văn phòng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Ghana, Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark có chuyến thăm ba nước tâm dịch Ebola bao gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone từ 11-18/2 tới.

Chuyến thăm của bà Helen Clark nhằm tái khẳng định cam kết của Liên hợp quốc trong công tác tiêu diệt dịch bệnh Ebola đang hoành hành và hỗ trợ tiến trình khôi phục sau dịch bệnh.

UNDP đang làm việc với chính quyền các nước cũng như các đối tác ở cấp độ quốc tế, khu vực và địa phương, trong đó bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Phi, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Thế giới, nhằm đánh giá tiến trình khôi phục hậu Ebola và hỗ trợ các chiến lược phục hồi cấp quốc gia.

Đáp lại lời kêu gọi sớm bắt đầu tiến trình tái thiết sau dịch bệnh, Liên hợp quốc đã giao cho UNDP phụ trách công tác khôi phục hậu Ebola tại Tây Phi.

Các chương trình khôi phục của UNDP tập trung vào 4 trụ cột: cơ hội kinh tế và việc làm; phục hồi khu vực y tế; chính phủ bền vững cho khôi phục, hòa bình và ổn định; quản lý rủi ro để đối phó với nguy cơ bùng nổ đại dịch trong tương lai.

Theo kế hoạch, bà Helen Clark sẽ tổ chức họp báo tại Conakry của Guinea trong ngày 13/2, Monrovia của Liberia vào ngày 16/2 tới và Freetown của Sierra Leone vào ngày 17/2 tới.

Trong một một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/2 ra lệnh rút gần toàn bộ 2.800 binh sỹ đang làm nhiệm vụ dập dịch Ebola tại Tây Phi về nước.

Sau ngày 30/4 tới, sẽ chỉ còn lại khoảng 100 binh sỹ Mỹ ở đây. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết quyết định rút quân không đồng nghĩa với việc chiến dịch dập dịch Ebola của Washington đã kết thúc, mục tiêu hiện tại của Mỹ là chuyển hướng "từ chống dịch sang dập dịch hoàn toàn" và đưa số ca nhiễm bệnh xuống con số 0.

Nhận định về quyết định trên, Điều phối viên Liên hợp quốc David Nabarro cho biết việc Mỹ rút quân đội khỏi Tây Phi không ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác đối phó dịch Ebola tại đây đồng thời bày tỏ hy vọng Washington sẽ tiếp tục đóng góp tài chính và vật chất cho tới khi dịch bệnh được tiêu diệt hoàn toàn.

Ông cũng cho hay hiện vẫn có khoảng 10.000 nhân viên dân sự của Mỹ đang làm việc tại 3 nước tâm dịch là Liberia, Guinea và Sierra Leone. Mỹ cũng đã chuẩn bị một lực lượng dự bị để sẵn sàng quay trở lại Tây Phi trong trường hợp xảy ra tái bùng phát.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/2, số ca nhiễm Ebola mới tại Tây Phi đã tăng trong 2 tuần liên tiếp. Tỷ lệ tử vong ở các ca nhập viện điều trị tiếp tục duy trì ở mức cao từ 53-60%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục