Cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra sẽ khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới tụt hậu, đẩy người nghèo vào chỗ khó khăn hơn và vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự tiếp cận “thiếu công bằng” đối với vắcxin.
Đây là cảnh báo được đưa ra ngày 24/2 trong thông điệp của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva gửi đến cuộc họp của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20).
Bà Georgieva dự báo đến cuối năm 2022, các quốc gia đang phát triển và thị trường đang nổi, không bao gồm Trung Quốc, sẽ chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm 22% so với mức trước khủng hoảng, trong khi mức giảm này của các nền kinh tế phát triển là 13%.
Mặc dù việc triển khai chiến dịch tiêm vắcxin đem lại hy vọng phục hồi kinh tế, IMF dự báo riêng G20 sẽ mất 25 triệu việc làm trong năm 2021.
Bà Georgieva cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ nới rộng hơn nữa khoảng cách giữa các nước đang phát triển, trong đó trẻ em chịu tác động nhiều nhất do giáo dục bị gián đoạn.
Theo bà, việc để các em trở thành thế hệ chịu thiệt thòi sẽ là sai lầm không thể tha thứ, khoét sâu thêm những vết thương do cuộc khủng hoảng này gây ra đối với nền kinh tế trong dài hạn.
Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm phòng vắcxin phòng COVID-19 tại những nước kém phát triển hơn, trong đó cần bổ sung nguồn quỹ để giúp các nước này mua vắcxin và tái phân bổ lượng vắcxin từ những nước thừa sang những nước thiếu vắcxin.
[Kinh tế Đức tăng trưởng vượt dự kiến trong quý IV/2020]
Bà Georgieva cho rằng các nước G20 nên triển khai những chính sách mạnh mẽ để đảo ngược “tình trạng chia rẽ nguy hiểm” có nguy cơ khiến nhiều nền kinh tế đang phát triển suy giảm trong nhiều năm.
Theo đó, bà kêu gọi chính phủ các nước G20 tiếp tục hỗ trợ tài chính có mục tiêu nhằm giúp các nền kinh tế, đồng thời cho rằng các ngân hàng trung ương nên duy trì những chính sách tài chính và tiền tệ phù hợp để hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Theo người đứng đầu IMF, tiến triển nhanh hơn trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế có thể giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng thêm 9.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020-2025.
Thông điệp trên được đưa ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 do Italy chủ trì sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26/2 nhằm thảo luận về sự phục hồi kinh tế và các giải pháp cho những vấn đề phát sinh./.