Tổng Giám đốc IMF khuyến cáo Hy Lạp phải “đi cả hai chân”

Tổng Giám đốc IMF khuyến cáo Chính phủ Hy Lạp phải “đi cả hai chân”: cải cách kinh tế và duy trì kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt, đổi lấy tái cơ cấu nợ.
Tổng Giám đốc IMF khuyến cáo Hy Lạp phải “đi cả hai chân” ảnh 1Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. (Nguồn: blogs.reuters.com)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp, thậm chí tái cơ cấu đáng kể nợ cho nước này, song không thay đổi nguyên tắc cho vay của mình.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tuyên bố như vậy ngày 8/7 tại Viện Brookings (Mỹ).

Bà Lagarde nhắc lại rằng IMF tham gia giải quyết khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp theo yêu cầu của chính nước này và trong hoạt động của mình, IMF phải tuân thủ các nguyên tắc đã định, không vi phạm các nguyên tắc, không thiên vị bất kỳ nước nào. Nguyên tắc đó là nước được vay phải thực hiện các yêu cầu của IMF nhằm khôi phục lại sự ổn định, trở lại tăng trưởng và đảm bảo bền vững.

Tổng Giám đốc IMF khuyến cáo Chính phủ Hy Lạp phải “đi cả hai chân”: cải cách kinh tế và duy trì kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt, đổi lấy tái cơ cấu nợ. Bất chấp việc Hy Lạp đã mất khả năng thanh toán cho IMF đúng hạn, bà Lagarde khẳng định Quỹ vẫn tiếp tục tham gia để tìm ra một giải pháp cho vấn đề nợ nước này, cũng như sẽ tiếp tục tham gia chương trình cứu trợ mới kể cả khi Athens đang bị các định chế tài chính quốc tế chỉ trích.

Trong một báo cáo hồi tuần trước, IMF cho rằng các chủ nợ của Hy Lạp nên kéo dài gấp đôi thời gian hoàn nợ cũng như xóa 36% (khoảng 40 tỷ USD) nợ cho nước này để Athens có được mức nợ trong khả năng chi trả.

Trong nỗ lực đi đến thỏa thuận về nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cam kết ngày 9/7 sẽ đệ trình một “kế hoạch hành động cụ thể” nhằm giải quyết khủng hoảng. Ông Tsipras cũng tuyên bố sẽ bắt đầu cải cách lương hưu và thuế ngay từ tuần tới. Các nhà lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone) yêu cầu Athens đệ trình một kế hoạch cải cách hoàn chỉnh trước nửa đêm 9/7 (5 giờ sáng 10/7 giờ Việt Nam).

Một động thái khác cho Hy Lạp là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định chỉ giữ nguyên quỹ cứu trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, hay còn gọi là Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA), ở mức 89 tỷ euro (99 tỷ USD) mà không tăng như Athens chờ đợi.

​Quyết định trên chỉ đủ giữ cho các ngân hàng Hy Lạp hoạt động cầm cự. Hội đồng thống đốc ECB có thể sẽ nhóm họp vào đầu tuần tới để bàn về các khoản tín dụng khẩn cấp cho Athens.

Trong khi không đàm phán được giải ngân tiền cứu trợ, nguồn tiền mặt cạn kiệt, Chính phủ Hy Lạp đã buộc phải thi hành những biện pháp kiểm soát vốn.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các ngân hàng ở nước này sẽ đóng cửa cho tới ngày 13/7 trong khi số tiền mỗi người dân được phép rút tối đa vẫn duy trì ở mức 60 euro/ngày.

Các ngân hàng tại Hy Lạp đóng cửa từ ngày 28/6 nhằm tránh việc rút tiền ồ ạt có thể khiến hệ thống ngân hàng sụp đổ vì mất khả năng thanh khoản. Ban đầu, Chính phủ Hy Lạp dự kiến sẽ mở cửa trở lại các ngân hàng ngay sau ngày trưng cầu ý dân, tức là ngày 6/7. Tuy nhiên, biện pháp này sau đó đã được kéo dài tới ngày 8/7 rồi tiếp tục hoãn tới ngày 10/7.

Ngày 12/7 tới, Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng nợ của Athens sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục