Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các nước Arab dỡ bỏ trợ giá

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde lên tiếng thúc giục các nước Arab dỡ bỏ dần hệ thống trợ giá đang tiêu tốn khá nhiều ngân sách của các nước này.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: jordantimes.com)

Phát biểu tại hội nghị với chủ đề "Xây dựng tương lai" ở thủ đô Amman của Jordan, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde lên tiếng thúc giục các nước Arab tiến tới dỡ bỏ dần hệ thống trợ giá đang tiêu tốn khá nhiều ngân sách của các nước này.

Bà Lagarde nói rằng những nước Arab theo đuổi đường lối dân chủ sẽ duy trì cải cách về mặt cơ cấu và dỡ bỏ hệ thống trợ giá mà IMF ước tính tiêu tốn 237 tỷ USD tổng cộng trên toàn khu vực này mỗi năm.

Bên cạnh đó, nhịp độ tăng trưởng trung bình khoảng 3% ở thế giới Arab chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia thị trường lao động của lực lượng lao động trẻ tại khu vực mà tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn vẫn đứng ở mức cao này.

Tổng Giám đốc IMF nêu rõ thông điệp của người đứng đầu IMF là các nước Arab cần tiếp tục cải cách về cơ cấu hiện nay nhân đà ổn định mà các nước trong khu vực đạt được trong thời gian qua để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó giúp tạo ra việc làm cho nền kinh tế.

Bộ trưởng tài chính các nước trong khu vực cũng nhất trí cải cách hệ thống trợ giá - vốn tiêu tốn một phần khá lớn ngân sách của chính phủ các nước này - đang giữ vai trò khá quan trọng. Trong đó, chi phí xã hội là một yếu tố chủ chốt ngăn chặn các nước này đẩy nhanh việc cải cách hệ thống trợ cấp.

Nhiều người cho rằng các chính sách khắc khổ mà chính phủ các nước Arab (những nước có chủ trương theo đuổi cải cách tự do theo đường hướng của IMF) triển khai thời gian qua đã làm dấy lên sự bất ổn xã hội cũng như châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên đường phố tại các nước trong khu vực.

Bà Lagarde cho hay đối với Jordan, IMF đã nới lỏng các mục tiêu tài chính trong thỏa thuận cho nước này vay trị giá 2 tỷ USD hồi năm 2012 để phục hồi kinh tế.

Bà Lagarde nhận định hiện có những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế Morocco, Tunisia, Jordan và Ai Cập đang dần ổn định, sau hơn ba năm bất ổn và chính biến, song sự ổn định hiện nay còn mong manh và các nước này cần tiếp tục các nỗ lực cải cách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục