Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nợ công ở các nước Arab tăng cao

Do thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao, nợ công tại các quốc gia Arab đã tăng từ 64% GDP đến 85% GDP tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nợ công ở các nước Arab tăng cao ảnh 1Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: ewn.co.za)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 9/2 cho biết nợ công tại các quốc gia Arab đã tăng lên nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, do thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao.

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Arab ở Dubai, bà Lagarde cho biết: "Thật không may, vùng này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và những trục trặc kinh tế lớn khác trong thập kỷ qua."

Theo bà, tăng trưởng kinh tế tại các nhà nhập khẩu dầu mỏ đã tăng vọt, nhưng vẫn thấp hơn mức từng đạt được trước khi xảy ra khủng hoảng. Nợ công ở các nước này đã tăng từ 64% GDP đến 85% GDP trong thập kỷ tính từ năm 2008. Giờ đây, tại gần một nửa trong các nước trên, con số này thậm chí vượt quá mức 90% GDP.

[Kinh tế-xã hội Trung Đông và Bắc Phi 8 năm sau Mùa xuân Arab]

Trong khi đó, nợ công tại các nước xuất khẩu dầu mỏ - bao gồm cả sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, tăng từ 13% lên 33% GDP, do dầu mỏ sụt giá thảm hại cách đây năm năm. Bà Lagarde cho biết: "Các nước xuất khẩu dầu mỏ chưa thực sự phục hồi sau cú sốc giá dầu thảm hại năm 2014. Vẫn tăng trưởng nhưng khiêm tốt, trong khi triển vọng rất không chắc chắn."

Theo Tổng Giám đốc IMF, các nước sản xuất dầu mỏ cần hướng đến năng lượng tái tạo trong những thập kỷ sắp tới, phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vốn thúc đẩy giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bà hoan nghênh các cuộc cải cách về chi tiêu và thu nhập, trong đó có việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế môn bài ở Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tuy nhiên, bà kêu gọi cải cách nhiều hơn nữa, và áp dụng các biện pháp chống tham nhũng và tăng cường minh bạch về tài chính.

Hồi tháng trước, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cũng như của cả khu vực Trung Đông-Bắc Phi do dầu thô "rớt" giá, sản lượng thấp, và các căng thẳng địa chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục