Phát biểu tại hội nghị về kinh tế ở London (Anh), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde nói rằng tiến trình cải cách trong lĩnh vực ngân hàng của các nước kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009 diễn ra vẫn quá chậm và công cuộc cải cách này chưa thể sớm kết thúc.
Bà Lagarde cho hay các ngân hàng hiện giữ nhiều vốn hơn so với thời kỳ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính nói trên.
Từ sau khủng hoảng tới nay, các nước vẫn chưa giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan đến các ngân hàng được cho là "quá lớn để bị phá sản."
Các thị trường tài chính vẫn tin rằng chính phủ các nước sẽ can thiệp cứu các ngân hàng thuộc diện lớn nhất tránh nguy cơ phá sản giống như trường hợp phá sản của ngân hàng đầu tư lớn Lehman Brothers (Mỹ) hồi năm 2008.
Tại hội nghị, bà Lagarde cũng kêu gọi các nước trên toàn thế giới nhất trí đưa ra một cơ chế đóng cửa các ngân hàng lớn có vấn đề.
Sau khủng hoảng tài chính, lòng tin giữa các cơ quan quản lý lĩnh vực ngân hàng, tài chính quốc tế vẫn chưa đủ cao, do một số nước tiếp tục áp dụng các biện pháp bổ sung về vốn ngân hàng.
Ủy ban ổn định tài chính (FSB) thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 lo ngại rằng các biện pháp kiểu trên sẽ gây phân rẽ trên các thị trường vốn hay hệ thống tài chính toàn cầu cũng như cản trở dòng tín dụng để hỗ trợ hoạt động đầu tư./.