Trong một phiên thảo luận về kinh tế châu Âu tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 22/1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng bảo vệ khi châu Âu bị công kích.
Việc đưa ra những nhận định có phần thái quá về một châu Âu "đau ốm" đã trở thành truyền thống tại hội nghị ở Davos suốt từ khi Hy Lạp lao đao vì nợ công đe dọa làm chuệch choạc liên minh tiền tệ vào năm 2010. Năm nay cũng không có gì khác, đặc biệt khi cuộc bầu cử tại Hy Lạp dự kiến diễn ra vào ngày 25/1 tới và Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa quyết định triển khai chương trình mua trái phiếu quy mô lớn trị giá 60 tỷ euro (68 tỷ USD).
Và thay vì Hy Lạp hay các mục tiêu quen thuộc khác là Pháp và Italy, Đức là chủ đề khuấy động cuộc tranh luận lần này, bởi Đức bị cho là "kêu gọi mù quáng" về các biện pháp khắc khổ và áp đặt quan điểm kinh tế cá biệt lên các nước khác.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng Đức đã không nhận thấy rằng mô hình kinh tế đã mang lại sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cho nước này vào đầu thập niên sẽ làm cho tình hình của cho các nước khác vào lúc này thêm tồi tệ.
Tuy nhiên, bà Lagarde không cho rằng Đức có nhiều khả năng để làm bất cứ điều gì để hỗ trợ các nước láng giềng và không có nhiều tiềm lực để chi tiêu công nhiều hơn. Theo bà, những lựa chọn bị hạn chế trong điều kiện thất nghiệp cao, nợ lớn và cải cách cơ cấu là cần thiết nhưng điều thực sự cần nhất là nhu cầu, trong khi không nhiều nước ở Eurozone có năng lực tài chính để có thể làm được điều đó.
Để bảo vệ lập trường của Đức, Thủ tướng Angela Merkel nói rằng dân số già hóa là thách thức lớn của nước này và Đức đơn giản là không có khả năng chi tiêu quá khả năng. Bà cho rằng nếu không giảm bớt nợ thì đó sẽ là gánh nặng rất lớn cho thế hệ sau.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel nói rằng nhiệm vụ hiện nay của Đức là thông qua các chính sách và đầu tư để hỗ trợ châu Âu./.