Theo trang mạng theconverstation.com mới đây, 8 năm sau khi nâng mức báo động về mối đe dọa khủng bố quốc gia, Australia gần đây đã hạ thấp nó một lần nữa - từ mức trung bình (có thể xảy ra) xuống mức thấp. Câu hỏi đặt ra là điều này có nghĩa mối đe dọa khủng bố đã kết thúc?
Ít ai có thể trả lời câu hỏi này tốt hơn Mike Burgess, Tổng Giám đốc An ninh và là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Australia (ASIO).
Trong một bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng hồi tháng 11/2022, ông tuyên bố rằng ít nhất là trong thời điểm hiện tại, người dân Australia có thể ngừng lo lắng về mối đe dọa tấn công khủng bố ở nước mình.
Ông nói: “Khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) thành lập vương quốc của chúng ở Trung Đông, một số lượng đáng kể người Australia đã bị dụ dỗ bởi những câu chuyện tuyên truyền hấp dẫn và sai sự thật, khiến ASIO phải nâng mức báo động về mối đe dọa khủng bố lên ‘có thể.’
Chúng tôi đưa ra quyết định này dựa trên một thực tế vô cùng bi thảm: Kể từ năm 2014, đã có 11 vụ tấn công khủng bố ở Australia, 21 âm mưu khủng bố đã bị phát hiện và đập tan.”
[Cảnh báo nguy cơ khủng bố gia tăng sau cái chết của thủ lĩnh al-Qaeda]
Sau nhiều thập kỷ nỗ lực làm việc, cuối cùng lực lượng cảnh sát, các cơ quan chính phủ và cộng đồng Australia đã ngăn chặn được hầu hết các nhóm khủng bố; trong đó có mạng lưới al-Qaeda và phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS), những nhóm đã đe dọa nghiêm trọng các quốc gia dân chủ, ổn định.
Tuy nhiên, ở các quốc gia yếu kém hoặc thất bại (bao gồm Syria, Iraq, Afghanistan và Somalia), các chi nhánh của al-Qaeda và IS vẫn là mối đe dọa hiện hữu.
Theo Chỉ số khủng bố toàn cầu, khu vực châu Phi cận Sahara chiếm gần một nửa số ca tử vong do khủng bố và Sahel (một khu vực ở Bắc Phi bao gồm các quốc gia như Niger, Mali và Burkina Faso) là quê hương của một số mạng lưới khủng bố khét tiếng nhất thế giới.
Cách các nền dân chủ ổn định giảm thiểu mối đe dọa khủng bố
Các nền dân chủ lâu đời đã phát triển năng lực tình báo chống khủng bố do cảnh sát lãnh đạo đến mức các âm mưu khủng bố quy mô lớn và đầy tham vọng phần lớn bị phát hiện và phá vỡ, đồng thời các mạng lưới khủng bố đã bị đẩy lùi một cách hiệu quả. Không chỉ các nền dân chủ phương Tây mà ngay trong khu vực châu Á - ví dụ như Indonesia, Malaysia và Philippines - cũng đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong việc kiềm chế mối đe dọa khủng bố nguy hiểm.
Đối với Indonesia và Australia, các vụ đánh bom ở Bali cách đây 20 năm đã làm thay đổi hoàn toàn thực tế. Sau các vụ đánh bom, các cuộc điều tra thành công của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Indonesia, phối hợp với Cảnh sát Liên bang Australia (AFP), đã định hình lại một cách nghiêm túc lực lượng cảnh sát của cả 2 quốc gia.
AFP được thành lập năm 1979 và được giao nhiệm vụ chống khủng bố hàng đầu, sau vụ đánh bom Sydney Hilton năm 1978. Đây là một cuộc tấn công chưa từng có, khiến 3 người thiệt mạng và 11 người bị thương. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ này, nguồn lực khiêm tốn của AFP được dành cho các mối đe dọa cấp bách hơn, chẳng hạn như chống ma túy và an ninh cảng biển.
Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 của al-Qaeda vào nước Mỹ đã buộc AFP phải đột ngột chuyển hướng, đưa lực lượng này trở lại trọng tâm ban đầu là chống khủng bố. Một năm sau, tháng 10/2002, các đặc vụ AFP Mick Keelty và Graham Ashton buộc phải dựa vào mối quan hệ tin cậy của họ với các sĩ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia để tìm ra kẻ chịu trách nhiệm cho các vụ đánh bom ở Bali và hạn chế khả năng chúng tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo.
Sự hợp tác thành công này đã dẫn đến việc các thành viên của nhóm đánh bom ly khai của một chi nhánh của al-Qaeda ở Indonesia là Jemaah Islamiyah bị bắt giữ.
Các cuộc tấn công ở Bali đã dẫn đến việc thành lập một đơn vị chuyên chống khủng bố của cảnh sát Indonesia có tên là Densus 88. Trong 18 năm kể từ khi thành lập, Densus 88 đã bắt giữ và góp phần truy tố thành công hơn 2.000 kẻ khủng bố (đây là ước tính dựa trên trên hàng trăm vụ bắt giữ được báo cáo hàng năm). Thách thức hiện nay đối với cảnh sát Indonesia là phá vỡ chu kỳ cực đoan hóa.
Việc nước này gần đây trả tự do cho Umar Patek - kẻ chế tạo bom trong vụ khủng bố ở Bali - là một dấu hiệu đáng khích lệ về sự thành công của cảnh sát Indonesia trong việc thu phục những kẻ từng là khủng bố. Hiện tên này vẫn đang được giám sát chặt chẽ.
Sự trỗi dậy của IS ở Syria và Iraq hồi giữa năm 2014 đã đánh dấu một bước thụt lùi đáng lo ngại trong công tác chống khủng bố ở Australia và Đông Nam Á. Phần lớn, đó là sản phẩm của sự can thiệp quân sự thiếu khôn ngoan và không chính đáng vào Iraq cách đó một thập kỷ, khiến chế độ Saddam Hussein bị lật đổ và mở cửa cho các lực lượng nổi dậy, bao gồm cả al-Qaeda ở Iraq, sau này trở thành Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và sau đó là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS).
Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và việc lật đổ Saddam Hussein đã chứng tỏ sự bất ổn sâu sắc, với những hậu quả tai hại nối tiếp nhau. Hoạt động quân sự quốc tế; trong đó Australia đóng một vai trò quan trọng, đã góp phần khiến cho ISIS trỗi dậy, nhưng sau đó chúng cũng đã bị tiêu diệt.
Một chu kỳ tương tự đã diễn ra ở Afghanistan. Ban đầu, chiến dịch quân sự do Mỹ lãnh đạo - bắt đầu vào tháng 10/2001 đã kiềm chế được al-Qaeda, gần như đè bẹp được mạng lưới này. Nhưng cuối cùng, sự can thiệp quân sự đã dẫn đến việc Taliban tái chiếm Afghanistan và mở ra cánh cửa cho al-Qaeda cũng như đối thủ của mạng lưới này là Nhà nước Hồi giáo. Al-Qaeda giờ đây không có được nơi ẩn náu an toàn ở Afghanistan, mà Nhà nước Hồi giáo còn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tàn khốc trên khắp Afghanistan.
Tuy nhiên, hiện tại, cơ quan tình báo chống khủng bố của lực lượng cảnh sát đã hạn chế khả năng của cả al-Qaeda và ISIS trong việc gây ra mối đe dọa cho Australia.
Khủng bố cực hữu
Mối đe dọa về chủ nghĩa cực hữu đã tăng từ mức chỉ chiếm 10-15% trong các trường hợp chống khủng bố của ASIO và AFP lên gần 50%. Đây là một mô hình phù hợp trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Hiện tại, mối đe dọa mới này hầu hết có khả năng xuất hiện trong các cuộc tấn công của một tác nhân đơn độc, chủ yếu ở quy mô nhỏ hơn và ít gây chết người hơn (nhưng không phải lúc nào cũng vậy, như chúng ta đã thấy ở Christchurch - thành phố thuộc New Zealand - năm 2019).
Đối với các nền dân chủ phương Tây cũng như các nền dân chủ ngày càng tăng ở châu Á, chủ nghĩa dân tộc cực đoan độc hại dưới hình thức các phong trào dân tộc và tôn giáo cực đoan là mối đe dọa ngày càng tăng. Hiện nó được tổ chức và phối hợp kém hơn so với chủ nghĩa khủng bố thánh chiến. Tuy nhiên, điều đó có khả năng thay đổi.
Và, như các cuộc tấn công bi thảm ở Wieambilla thuộc bang Queensland đã cho thấy tình hình đã trở nên phức tạp và khó đoán hơn nhiều. Chứng hoang tưởng được thúc đẩy bởi các thuyết âm mưu, pha lẫn với chủ nghĩa tôn giáo chính thống và sự căm ghét chính phủ và cảnh sát, đang tạo ra các hình thức cực đoan bạo lực mới.
Như Mike Burgess đã nhắc nhở, “khủng bố là một mối đe dọa lâu dài và ngày càng tăng […] Chúng tôi liên tục xem xét các mức báo động về mối đe dọa khủng bố. Không thể có tình trạng 'ngủ quên' trong tình báo an ninh”./.