Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến cuối quý 1 đạt 194.187 tỷ đồng

Việc tập trung huy động vốn và giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động.
Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi trong quý 1. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 31/3, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 201.199 tỷ đồng, tăng 6.778 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đạt 194.187 tỷ đồng, tăng 6.394 tỷ đồng (+3,4%) so với cuối năm 2018, với gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

[Hộ cận nghèo vùng dân tộc được nâng vốn vay phát triển kinh tế]

Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 170.575 tỷ đồng, tăng 5.433 tỷ đồng (+3,3%) so với cuối năm 2018.

Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở 8 chương trình tín dụng lớn là cho vay hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.

Cũng theo Ngân hàng Chính sách, chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố nâng cao. Đến hết tháng Ba, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,77%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,42%.

Tổng doanh số cho vay quý 1 đạt 19.171 tỷ đồng, tăng 3.026 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với gần 567.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Việc tập trung huy động vốn và giải ngân các chương trình tín dụng chính sách ngay từ những ngày đầu năm 2019 đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động, trong đó hơn 1.100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 5.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 256.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 1.800 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chuyển nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 9.580 tỷ đồng, riêng trong quý 1 tăng 1.663 tỷ đồng so với cuối năm 2018, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 31/3 đạt 13.472 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác cho vay lớn là Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Gia Lai./.

Vietnam+

Tin cùng chuyên mục