Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, tổng dân số Việt Nam đạt gần 90,5 triệu người. Với quy mô dân số này, Việt Nam tiếp tục xếp hạng thứ 13 trong các nước đông dân trên thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố kể quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (IPS) do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 17/12, tại Hà Nội.
Tính đến 0 giờ ngày 1/4, tổng dân số Việt Nam là 90.493.352 người, trong đó nam giới chiếm 49,3% và nữ giới chiếm 50,7%. Ba tỉnh, thành phố có số dân trên 3 triệu người là Thành phố Hồ Chính Minh (7,955 triệu người), Hà Nội (7,067 triệu người) và Thanh Hóa (3,491 triệu người).
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số-Lao động (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả điều tra dân số chỉ ra rằng trong 5 năm qua, tỷ suất tăng dân số trung bình mỗi năm là 1,06%, thấp hơn so với tỷ suất của giai đoạn 1999-2009 (1,2%). Thêm vào đó, tổng tỷ suất sinh là 2,09 trẻ/phụ nữ cho thấy tỷ lệ sinh của Việt Nam đang tiếp tục giảm và ổn định.
Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh đã lên tới 112,2 bé trai/100 bé gái, cao hơn Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 (110,5 bé trai/100 bé gái). Nếu như kết quả điều tra năm 2009 không có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực thì đến năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh ở khu vực nông thôn (113,1 bé trai/100 bé gái) đã cao hơn đáng kể so với ở khu vực thành thị (110,1 bé trai/100 bé gái). Điều này cho thấy rằng mong muốn, áp lực buộc phải sinh con trai cùng với khả năng tiếp cận các dịch vụ chọn lọc giới tính hiện đại của phụ nữ nông thôn trong những năm gần đây tăng lên.
Một tín hiệu đáng mừng là tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng từ 72,8 năm (kết quả điều tra năm 2009) lên 73,2 năm (kết quả điều tra năm 2014). Số liệu điều tra cũng cho thấy tỷ số phụ thuộc là 44%, tức là Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng.” Tuy nhiên, chỉ số già hóa đã lên tới 44,6%, điều này khẳng định Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Kết quả điều tra năm 2014 cũng cho thấy xu hướng di cư trong 5 năm qua đã có nhiều thay đổi so với kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2009. Sự phát triển kinh tế vùng đã làm đổi chiều di cư. Điểm đến của những người di cư chủ yếu sang vùng lân cận có kinh tế phát triển hơn. Chẳng hạn, Đồng bằng sông Hồng từ một vùng xuất cư năm 2009 đã trở thành vùng nhập cư thu hút số lượng lớn người dân di cư tới.
Tỷ suất di cư (nhập cư/xuất cư) của khu vực thành thị là 27,7% trong khi khu vực nông thôn là -13,3%. Điều này cho thấy xu hướng di cư chủ yếu vào khu vực thành thị. Độ tuổi của những người di cư chủ yếu từ 15-34 tuổi.
Về điều tra nhà ở, kết quả cho thấy điều kiện sinh hoạt của người dân đang được cải thiện, 46,6% hộ gia đình sống trong nhà kiên cố, chỉ 5,9% hộ có nhà thiếu kiên cố và 3,7% hộ có nhà đơn sơ. Diện tích bình quân đầu người của cả nước là 20,6m2/người, trong đó khu vực thành thị là 23m2/người và khu vực nông thôn là 19,5 m2/người.
Phát biểu tại hội nghị, ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, những số liệu từ cuộc điều tra sẽ có giá trị quan trọng với Việt Nam khi mà Chính phủ và Quốc hội đang xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam sau năm 2015./.
Những kết quả chủ yếu trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ được tổng hợp từ các bảng hỏi thu qua điều tra 5% tổng số hộ gia đình trên cả nước từ tuyến huyện tới trung ương. Cuộc điều tra này do Tổng cục Thống kê thực hiện, Quỹ Dân số Liên hợp quốc hỗ trợ về kỹ thuật và tài trợ chính./.