Sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tập huấn triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2023 do Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức hôm nay 18/5 tại Hà Nội.
Trong 9.601 ca hỗ trợ, can thiệp có 4.194 ca bạo lực trẻ em, chiếm (43.68%); 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 25.75%); 748 ca về trẻ em bị bóc lột (chiếm 7,79%); 267 ca trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc, sao nhãng; 232 ca trẻ em bị mua bán; 239 ca vi phạm quyền trẻ em; 169 ca tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, 154 ca hỗ trợ tài chính cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 33 ca bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và 1.084 ca về các vấn đề khác (tai nạn thương tích, trẻ em bị lạc, khó khăn liên quan đến nhà trường, khó khăn liên quan đến chính sách pháp luật ...)
Trong số 469.408 cuộc gọi tư vấn của tổng đài có 252.345 ca tư vấn chuyên sâu, chiếm 53,8%, trong đó có 28.172 ca tư vấn về xâm hại, bạo lực (chiếm 11,2%); 96.732 ca tư vấn liên quan đến những khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, thầy cô giáo và ngoài cộng đồng (chiếm 38,3%); 43.108 ca tư vấn liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ em (chiếm 17,1%); 25.473 ca tư vấn về pháp luật (chiếm 10,1%); 19.406 ca tư vấn liên quan đến tâm lý của trẻ em (chiếm 7,7%), 17.856 ca tư vấn về sức khỏe sinh sản (chiếm 7,1%), và 21.598 ca về các vấn đề khác (chiếm 8,5%).
Theo đánh giá của Tổng đài 111, các ca tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em và liên quan đến phát luật tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính từ năm 2020 đến nay tỷ lệ các cuộc gọi tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực chiếm 51,3% trong tổng số ca tư vấn chuyên sâu ở tổng đài; cuộc gọi tư vấn về pháp luật chiếm 27,9%; các cuộc gọi tư vấn về ứng xử giảm chỉ còn 13,7%; các cuộc gọi về sức khỏe thể chất chiếm 3%; các cuộc gọi tư vấn về tâm lý chiếm 2,8%; cuộc gọi tư vấn về sức khỏe sinh sản chiếm 1,3%.
[Tháng hành động vì trẻ em 2023: “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em"]
Đáng chú ý, trẻ em là nhóm gọi đến tổng đài nhiều nhất chiếm 48,1%; cha mẹ, người chăm sóc trẻ chiếm 17,2%; người dân quan tâm đến các vấn đề của trẻ em chiếm 26,2%; cán bộ xã hội chiếm 6,9%; nhóm đối tượng khác chiếm 1,6%.
Về độ tuổi người gọi, người từ 18 tuổi trở lên chiếm 49,2%; nhóm trẻ em từ 11-14 tuổi chiếm 20,1%; trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi chiếm 15,3%; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm 7,9%; trẻ em từ 0-10 tuổi chiếm 4,9% và 2,7% không xác định được lứa tuổi. Số cuộc gọi của nam giới chiếm 41,5%, nữ giới chiếm 58,5%./.