Tổng cục Thủy sản: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát đi cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng (WSSV) và hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi do ô nhiễm nguồn nước.
Một ao nuôi tôm. (Nguồn: TTXVN)

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa phát đi cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng (WSSV) và hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi do ô nhiễm nguồn nước.

Cụ thể, theo kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ tại một số tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 4 và tháng 5, các chuyên gia đã phát hiện sự có mặt của tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Kết quả giám sát định kỳ một số yếu tố môi trường nước ao nuôi cũng phát hiện sự có mặt tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng, hàm lượng NO2 trong nước một số ao nuôi cao hơn giới hạn cảnh báo và đều có biểu hiện ô nhiễm hữu (thông số COD và TSS cao hơn các đợt quan trắc những năm trước).

[VASEP khuyến cáo người nuôi tôm không nên “treo ao”]

Bên cạnh đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong thời gian tới thời tiết có diễn biến bất thường như ngày nắng nóng, chiều tối có mưa rào làm một số yếu tố môi trường biến động như nhiệt độ, pH, độ mặn, DO...  - những tác nhân cao dẫn tới sự bùng phát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi.

Trước tình hình trên, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi; đồng thời thúc đẩy phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững.

Các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh như: phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hóa chất khử trùng; hạn chế người đi vào cơ sở nuôi, người chăm sóc, quản lý cơ sở nuôi hạn chế sang cơ sở bị bệnh hoặc tôm chết chưa rõ nguyên nhân, trường hợp phải vào ao nuôi thì cần thay quần áo và lội qua bể khử trùng.

Người dân tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.

Bên cạnh đó, người nuôi tôm định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio; sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao, đóng chặt cống cấp và thoát nước; quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá... vào ao, căng dây và lắp hình nộm để chống chim cò vào ao.

Đối với cơ sở, hộ nuôi được cảnh báo về kết quả dương tính với AHPND trong nước ao nuôi và dương tính với mầm bệnh WSSV, AHPND trên tôm nuôi, lực lượng chức năng yêu cầu người dân tuyệt đối không tháo nước ra ngoài môi trường và cần ngừng cho tôm ăn 1-2 ngày, sau đó cho tôm ăn hạn chế bằng 10% định mức hàng ngày, rồi tăng dần đến khi đạt định mức bình thường trong vòng 7-10 ngày.

Người nuôi theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm và báo ngay với cơ quan chuyên môn khi tôm có dấu hiệu bất thường.

Đói với ao nuôi có hàm lượng NO2 và vi khuẩn Vibrio tổng số cao vượt giới hạn cho phép, cơ sở nuôi cần tăng cường sục khí ôxy, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm, đồng thời xác định chính xác khẩu phần thức ăn bằng cách sử dụng sàng để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp; hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường vệ sinh/siphon đáy ao kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc, giảm hàm lượng vi khuẩn Vibrio...

Đồng thời, thường xuyên duy trì và ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục