Tổng cục Thống kê: Sáu giải pháp thúc đẩy ổn định phát triển kinh tế sau lũ

Tổng cục Thống kê: Sáu giải pháp thúc đẩy ổn định phát triển kinh tế sau lũ

Ảnh hưởng của bão lũ tác động trực tiếp nhất đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp, du lịch, vận tải... cũng gặp khó khăn khi nước lũ dâng cao, cơ sở vật chất bị hư hại.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế-xã hội tám tháng duy trì xu hướng tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so với cùng kỳ năm trước trên nhiều lĩnh vực. Điều này góp phần tạo động lực cho các tháng, quý tiếp theo và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Tuy nhiên, những thiệt hại nặng nề do sự tàn phá của cơn bão số 3 cùng hoàn lưu bão đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cùng với những mục tiêu kinh tế-xã hội của năm 2024. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Khẩn trương khôi phục sản xuất

- Thưa , sự thiệt hại của cơn bão số 3 cộng thêm hoàn lưu gây ra mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở… dự báo sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng và nền kinh tế?

z5209563880154_34d8815d1e95ed781ea024fd33f14615.jpg
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Vietnam+)

Đỗ Thị Ngọc: Cơn bão số 3 (Yagi) với sức tàn phá mạnh nhất trong 30 năm qua, đã ảnh hưởng trực tiếp và gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Bắc Bộ. Thêm vào đó, hoàn lưu sau bão đang tiếp tục gây ra lũ lụt, sạt lở đất với những tổn thất thảm khốc cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Những thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều diện tích lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản bị cuốn trôi. Các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhà ở dân cư bị hư hỏng, cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ. Cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ nhiều trên các tuyến đường tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão.

Thêm vào đó, lũ và ngập lụt đang diễn ra ở nhiều địa phương cùng với sự cố mất điện, mất liên lạc trên diện rộng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai… do nhiều đoạn đường dây 500kV, 220kV và 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ. Những thiệt hại của cơn bão số 3 cộng thêm lũ, lụt, sạt lở đất…đến nay vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng mà còn đang tiếp tục được thống kê. Sự thiệt hại này sẽ có những tác động trực tiếp đến tăng trưởng của một số địa phương phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung trong nửa cuối tháng Chín và trong quý 4.

ttxvn_0809_ha noi cay do (1).jpg
Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả tại phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cụ thể, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ tác động trực tiếp nhất đến các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các ngành công nghiệp cũng gặp những khó khăn trong sản xuất khi nước lũ tiếp tục dâng cao. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch và một số ngành dịch vụ như lưu trú ăn uống, vận tải kho bãi, hoạt động vui chơi giải trí cũng bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra mưa bão, do cơ sở vật chất bị hư hại và nhiều chuyến bay phải hoãn, hủy.

"Sự thiệt hại này sẽ có những tác động trực tiếp đến tăng trưởng của một số địa phương phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung trong nửa cuối tháng Chín và trong quý 4."

Với sự nỗ lực, quyết tâm và chủ động ứng phó bão, mưa lũ của toàn bộ Hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, cùng với đó là tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của Nhân dân. Cả nước đang chóng khắc phục hậu quả của cơn bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, khẩn trương ổn định cuộc sống của người dân và khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024.

Giữ vững ổn định vĩ mô

- Xin bà chia sẻ một số đánh giá khái quát về tình hình kinh tế-xã hội trong tám tháng?

Đỗ Thị Ngọc: Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội trong tám tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về nông nghiệp, diện tích gieo cấy lúa thu đông đạt khá, chăn nuôi lợn và gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh và sản lượng thủy sản tăng khá, đáp ứng đơn đặt hàng cuối năm tại các thị trường nhập khẩu lớn.

ttxvn_2508_xuat khau gao.jpg
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu chạm mức cao nhất trong gần ba tháng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Với các trụ cột khác, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng tăng 8,6% (cùng kỳ năm trước giảm 0,2%). Các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch ghi nhận mức tăng cao. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất-nhập khẩu hàng hóa ngày càng phục hồi và tăng trưởng khởi sắc, đạt 511 tỷ USD, tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Thêm vào đó, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh đầu tư thế giới suy giảm. Tính đến ngày 31/8, cả nước có 2.247 dự án mới với số vốn gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tám tháng đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào phát triển kinh tế của Việt Nam. Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cả nước có trên 168 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường và số rút lui khỏi thị trường là 135 nghìn doanh nghiệp.

Trên bình diện đó, thu ngân sách Nhà nước tăng khá nhờ các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc đạt gần 1.336 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa (không kể dầu thô) đạt gần 1.117 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9% đồng thời công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.

ttxvn xuat cao gao cho nguoi dan kho khan.jpg
Tổ chức xuất, cấp gạo cho người dân gặp khó khăn. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong tám tháng qua nền kinh tế nước ta vẫn còn một số những hạn chế, tồn tại. Do thời tiết ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nắng nóng nên tiến độ gieo cấy lúa hè thu đạt chậm so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó mưa lớn kéo dài tại một số địa phương phía Bắc đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa mùa. Chăn nuôi trâu, bò giảm chủ yếu do điều kiện chăn nuôi khó khăn, chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận mang lại thấp. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay đã xuất hiện trên 250 ổ dịch tại 87 huyện của 29 địa phương trên cả nước.

Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai trong tám tháng của năm ước tính 3.375 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần cùng kỳ năm 2023.

Mặt khác, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm những tháng gần đây có xu hướng chậm lại, cho thấy nhu cầu thị trường thế giới vẫn đang hiện hữu nhiều yếu tố bất định, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng phục hồi chậm, khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp còn hạn chế. Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gia tăng áp lực lạm phát. Hơn nữa, thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ lụt khiến cả trăm người chết và mất tích, bị thương, nhiều chục nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng, gia súc-gia cầm bị chết, lúa và hoa màu ngập, hư hỏng.

Làm gì để ổn định kinh tế sau lũ?

- Trong bối cảnh hiện nay, Tổng cục Thống kê đã đề xuất những giải pháp gì?

Đỗ Thị Ngọc: Trước những tình hình thực tế, để thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống ảnh hưởng lụt bão, ổn định cuộc sống người dân nơi vùng lũ lụt, phát triển kinh tế những tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp.

Một là các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, lũ cần phải chủ động phòng chống, ứng phó với bão lụt, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Cụ thể là cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống và khắc phục hậu quả của bão, lũ lụt và bảo đảm cuộc sống của người dân. Di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt, sửa chữa, khôi phục các hạ tầng bị hư hỏng, thu dọn vệ sinh, môi trường. Đặc biệt là tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Hai là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kịp thời cập nhật các kịch bản tăng trưởng, lạm phát; phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu hướng tăng giá trong thời điểm mưa bão, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng bão lụt. Cơ quan chuyên ngành thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

vna_potal_cac_cho_dan_sinh_o_ha_noi_cung_cap_day_du_thuc_pham_trong_ngay_mua_bao_7578207.jpeg
Chợ truyền thống hiện nay vẫn đảm bảo cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Ba là đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Nhiệm vụ đầu tiên là thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa đồng thời vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bốn là đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam. Thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng đa dạng hóa và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, các thị trường mới có tiềm năng (như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ), ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu. Triển khai hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại về các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Năm là Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những khó khăn về thế chấp, tín chấp, kế hoạch kinh doanh để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tiếp cận vốn.

Sáu là thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân; xuất cấp gạo kịp thời để hỗ trợ người dân trong thời điểm giáp hạt, tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh.

- Xin cảm ơn bà!

ttxvn_anh_huong_bao_so_3_hung_yen_nhieu_dien_tich_nong_nghiep_bi_thiet_hai_lon___7580637.jpg
Nhiều diện tích chuối của người dân xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên bị gãy đổ. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục