Tổng cục Thống kê: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế

Nông nghiệp tiếp tục trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng mạnh, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhờ ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, diện tích lúa cả năm ước đạt 7,12 triệu ha đã tăng 10,1 nghìn ha so với năm 2022. (Ảnh: Vietnam+)
Đến nay, diện tích lúa cả năm ước đạt 7,12 triệu ha đã tăng 10,1 nghìn ha so với năm 2022. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhiều hơn thuận lợi song kinh tế của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.

Nội dung trên được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Thống kê đề cập trong cuộc trao đổi với báo Điện tử VietnamPlus vào ngày 29/12.

Những con số "biết nói"

- Xin bà chia sẻ một số đánh nhận định về tình hình kinh tế-xã của năm 2023?

Bà Nguyễn Thị Hương: Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,8%, công nghiệp và xây dựng tăng 3,7%, dịch vụ tăng 6,8%. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao đồng thời chăn nuôi phát triển ổn định. Thêm vào đó, nuôi trồng thủy sản có sự phát triển khá nhờ những ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Đến nay, diện tích lúa cả năm ước đạt 7,12 triệu ha đã tăng 10,1 nghìn ha so với năm 2022. Năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha và tăng 1 tạ/ha, nhờ đó sản lượng lúa đạt tới 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng thu hoạch của một số loại cây lâu năm cũng tăng so với năm trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và thị trường tiêu thụ ổn định, như sản lượng điều tăng 4%, cà phê tăng 1%, chè búp tăng gần 2%, sầu riêng tăng 37%, xoài và nhãn cùng tăng 5%.

Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 39% về giá trị so với năm 2022 đồng thời xuất khẩu rau quả đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 66%.

z4476575625349-83c90a181b28701dfea96d125a557a39-8312.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10% so với năm trước, vận chuyển hành khách tăng 12% và luân chuyển tăng 24%, vận chuyển hàng hóa tăng 15% và luân chuyển tăng 11%. Với việc triển khai hiệu quả Chiến lược marketing và các Đề án phát triển Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm đạt 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm ngoái. Đặc biệt đã vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách từ đầu năm và đạt mục tiêu điều chỉnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ 12,5 đến 13 triệu lượt người.

Vượt qua những khó khăn, khu vực sản xuất công nghiệp ghi nhận những diễn biến tích cực về các tháng cuối năm. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 4 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với các quý trong năm. Trong đó, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 25%, sản xuất kim loại tăng 24%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 20%, dệt và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 18%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12%.

Khó khăn trong tiêu thụ, lượng hàng tồn kho cao

- Bên cạnh những điểm sáng và những điểm còn hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trên thực tế, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Nhiều loại vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, do đó đã làm tăng chi phí sản xuất. Đáng chú ý, diện tích cây điều, cao su, hồ tiêu tiếp tục sụt giảm do hiệu quả kinh tế không cao, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao hay sản lượng gỗ khai thác tăng thấp do các doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Trong bối cảnh chung toàn cầu, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực tong nước đã suy giảm mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu đơn hàng. Mặt khác, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023.

Trên bình diện đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 1,5% so với năm trước và thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2% của năm 2022, do đơn hàng sụt giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu đi xuống. Trên cả nước, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm có sự giảm sút so với cùng kỳ năm trước và diễn ra ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,8% và đây là mức thấp nhất trong 11 năm qua trong khi tỷ lệ tồn kho bình quân là 87,5%, mức cao nhất trong 11 năm qua. Điều này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho cao.

Minh chứng chỉ ra kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2023 đã giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4% trong bối cảnh chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt, tổng cầu thế giới suy giảm dẫn tới các đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn với mức 8,9% gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong thời gian tới do phần lớn mặt hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất.

Ngoài ra, doanh nghiệp thành lập mới gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Cụ thể, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 1,52 triệu nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 chỉ đạt 9,6 tỷ đồng, giảm gần 11% so với năm 2022. Đối với khu vực đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký điều chỉnh trong năm tăng thêm 7,9 tỷ USD, giảm 22% so với năm trước (năm 2022 tăng 12,2%). Điều này phản ánh những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và cho thấy nhà đầu tư nước ngoài chưa mở rộng quy mô các dự án đầu tư hiện hữu tại Việt Nam.

Mở rộng tiêu dùng nội địa

- Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tạo đà tăng trưởng và đạt mức cao nhất theo mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, theo bà cần tập trung thực hiện các giải pháp thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hương: Bước sang năm 2024, kinh tế-xã hội dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn, biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự, dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước.

Để đạt mục tiêu đề ra, chúng ta cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam cần phải theo dõi sát, từ đó có sự chủ động và phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Trong bối cảnh đó, các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát liên tục phải cập nhật, nhằm có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm. Diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu cũng cần theo dõi chặt chẽ, nhất là mặt hàng xăng dầu, từ đó xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

411439374-339829729005668-867517127026105011-n-318.jpg
Tổng cục Thống kê họp báo Công bố Số liệu Thống kê Kinh tế-Xã hội quý 4/2023 và năm 2023, ngày 29/12. (Ảnh: Vietnam+)

Chúng ta cũng phải đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, mở rộng tiêu dùng nội địa. Các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua Nền tảng Số, Thương mại Điện tử phải thực hiện có hiệu quả; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trong đó, các đơn vị phải chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn-miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về đó; triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước nhiều tiềm năng.

Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024. Để làm được điều này, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế-xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Các cấp quản lý có chính sách phù hợp thúc đẩy sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung và điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao. Bên cạnh đó, công tác phòng chống bệnh dịch cần được chú trọng và chủ động phương án phòng chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Và, điểm mấu chốt là nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đó, các cấp quản lý tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, Chuyển đổi Số.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục