Tổng cục Quản lý thị trường: Tháng 5 sẽ cơ bản xong công tác cán bộ

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho hay, quyền Cục trưởng phải có đủ thời gian công tác 5 năm mới được bổ nhiệm mới và Bộ đặt ra kế hoạch tháng 4 và hết tháng 5 về cơ bản hoàn thiện xong công tác cán bộ
Tổng cục Quản lý thị trường: Tháng 5 sẽ cơ bản xong công tác cán bộ ảnh 1Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin về việc sắp xếp bộ máy, nhân sự. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng vừa qua, lực lượng này đã hoạt động quyết liệt để sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/4, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cho hay, do xây dựng bộ máy mới, hầu hết các vị trí lãnh đạo của đơn vị (như Cục trưởng Cục Quản lý thị trường địa phương) đều bổ nhiệm lần đầu. Do vậy, việc bổ nhiệm sắp xếp cán bộ phải theo đúng quy định hiện hành của Chính phủ.

“Trước tiên, muốn đổi mới tổ chức cán bộ là hoàn thiện từ tổ chức Đảng, do vậy, Bộ đã xin ý kiến xây dựng tổ chức Đảng. Việc bổ nhiệm vị trí lãnh đạo các cấp là lần đầu, sắp xếp bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện đúng quy định,” ông Linh nói.

Theo ông Linh, đến thời điểm này, cả 63 Cục Quản lý thị trường đang xây dựng cán bộ và Bộ đã phê duyệt phương án tổng thể.

[Mở rộng kiểm tra vụ sản xuất amply Jarguar có dấu hiệu giả mạo]

“Cách đây 2 tuần Bộ Công Thương đã lên phương án tổng thể về bổ nhiệm cán bộ các cấp cho Quản lý thị trường,” ông Linh nói và cho biết việc bổ nhiệm các đồng chí Quyền Cục trưởng phải có đủ thời gian công tác 5 năm mới được bổ nhiệm mới. Bộ Công Thương đặt kế hoạch tháng Tư và hết tháng Năm về cơ bản hoàn thiện xong công tác này.

Lãnh đạo Tổng Cục Quản lý thị trường cũng phủ nhận ý kiến cho rằng, do cơ cấu Quản lý thị trường chưa xong nên thời gian qua lực lượng này chưa phát hiện và xử lý được vụ việc nào lớn.

Theo ông, khi thực hiện công tác bổ nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao quyền Cục trưởng và quyền Đội trưởng. Như vậy, với thẩm quyền này Quản lý thị trường đã có đủ pháp lý để triển khai công tác xử phạt hành chính.

Ông Linh dẫn chứng, giai đoạn trước, trong và sau Tết, lực lượng này đã xử lý nhiều vụ liên quan đến An toàn thực phẩm. Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã bắt vụ xì gà rất lớn, giá trị hơn 4 tỷ đồng. Vụ việc cũng đã được chuyển hồ sơ, tang vật sang cơ quan công an xem xét xử lý hình sự.

Từ những kết quả trên, theo ông Linh, trong quý 1 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường tập trung và ưu tiên những vụ việc mà nhờ có mô hình ngành dọc đã giải quyết được.

“Nếu như ngày xưa chỉ xử lý phần ngọn, bây giờ hàng giả xử lý dứt điểm đường dây, ổ nhóm, tụ điểm gốc... Điều này cho thấy vai trò thay đổi mô hình đã dẫn đến tốt hơn trong kiểm tra, kiểm soát,” ông Linh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục