Sáng nay, 11/12, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại thành phố Hà Nội đã đưa ra cảnh báo “màu đỏ,” ngưỡng ô nhiễm không khí “xấu” và nhận định “những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.”
Các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí như Airvisual, PAM Air cũng đưa ra cảnh báo nhiều khu vực ở nội thành Hà Nội có chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe, vì thế người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 6 giờ sáng nay cho thấy kết quả chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên đến 199, ở ngưỡng “đỏ” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.
[Ô nhiễm bụi mịn ở mức cao, hạn chế hoạt động ngoài trời vào buổi sáng]
Tới thời điểm 7 giờ, chỉ số AQI tại trạm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ của Tổng cục Môi trường vẫn tiếp tục ở ngững “xấu” là 198.
Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual vào lúc 7 giờ cũng đưa ra cảnh báo nhiều khu vực ô nhiễm ở mức nguy hại. Trong đó, chỉ số AQI tại khu vực Hồ Tây là 303; tại GreenID (Cầu Giấy) là 256; tại Tràng Tiền 250.
Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air vào lúc 7 giờ sáng nay cũng cho thấy, chỉ số chất lượng không khí ở hầu hết các điểm quan trắc đều ở hai ngưỡng “màu đỏ” phổ biến từ 170 - 199. Ở ngưỡng này, chất lượng ô nhiễm không khí được xác định là “xấu.”
Thậm chí, một số điểm ứng dụng online Pam Air còn ghi nhận thấy ngưỡng “màu tím” (mức rất xấu, cảnh báo khẩn cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, từ 210 - 300) như: Hàng Quạt với chỉ số chất lượng không khí đo được là 242; Bà Triệu là 208.
Đến thời điểm 8 giờ 20 sáng nay, chỉ số chất lượng không khí ở hầu hết các điểm quan trắc bằng ứng dụng online Pam Air tại khu vực Hà Nội vẫn duy trì ở ngưỡng “màu đỏ” và “màu tím.”
Đáng chú ý, không chỉ riêng Hà Nội, mà hều hết các điểm quan trắc bằng ứng dụng online Pam Air đặt tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình ở ngưỡng “màu đỏ” và “màu tím,” không tốt cho sức khỏe.
Toàn miền Bắc chỉ có 2 điểm quan trắc duy nhất ở Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chỉ số AQI ở mức kém, phổ biến từ 106-132.
Theo Tổng cục Môi trường, khu vực miền Bắc đang giai đoạn giữa mùa Đông là thời kỳ chất lượng không khí thấp nhất trong cả năm. Thời tiết hanh khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Giá trị của thông số bụi mịn PM2.5 thường cao hơn trong thời gian ban đêm và sáng sớm.
Đặc biệt, thời gian sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Vào thời gian còn lại trong ngày, khi ánh sáng Mặt Trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, bụi được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cho biết với đặc điểm thời tiết giao mùa, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt.
Để theo dõi thông tin về chất lượng không khí, người dân nên thường xuyên cập nhật qua website của Tổng cục Môi trường như: cem.gov.vn; aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ; PAMAir, Air visual…/.