Tổng chủ biên sách Cánh Diều: Sẽ điều chỉnh trong quá trình triển khai

Tổng chủ biên sách Cánh Diều trải lòng về cuốn Tiếng Việt lớp 1

"Những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách của chúng tôi cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2 để người đọc tin vào những lời mà họ nói," giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Cánh Diều (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trước nhiều ý kiến phản hồi của phụ huynh về một số “sạn” trong sách Tiếng Việt lớp 1, nhất là bộ Cánh Diều, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên cuốn sách cho hay sẽ điều chỉnh những điểm chưa phù hợp trong quá trình triển khai sách.

Tại buổi trả lời phỏng vấn báo chí, giáo sư Thuyết cho hay bản thân ông đã có gần 40 năm nghiên cứu về giáo dục tiểu học, thường xuyên dự giờ và trao đổi với các giáo viên. Trong nhóm tác giả soạn sách có cả giáo viên tiểu học. Vì thế, mỗi tác giả như ông đều phải đặt mình vào vị trí của học sinh để viết sách phù hợp với lứa tuổi lớp 1.

Lý giải về việc phụ huynh phản ánh sách có dùng một số từ ít thông dụng, ông Thuyết cho hay do trong tháng đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ. Người viết sách phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc nên phải dùng một số từ này. Ví dụ từ “chả”, đồng nghĩa với từ “không”, “chẳng”, là những từ thông dụng hơn. Tuy nhiên, khi học sinh chưa học vần “ông” và “ăng”, tác giả phải dùng từ “chả” để thay thế. Hoặc tác giả dùng từ “nhá” trong câu “bò nhá cỏ” vì lúc này học sinh chưa học vần “ai” nên chưa đọc được từ “nhai”.

Cũng theo giáo sư Thuyết, sách mới cố gắng tạo ra các bài tập đọc là các đoạn văn ngắn sớm hơn, giúp học sinh gắn chữ và vần mới học với những câu chuyện, bài thơ cụ thể, làm việc học hấp dẫn hơn.

[Sách tiếng Việt lớp 1 mới: Phụ huynh dậy sóng, giáo viên nói gì?]

Trong sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều, các chuyện được lựa chọn đưa vào đều phỏng theo các tác phẩm nổi tiếng của các tác gia lớn như Lev Tolstoy, La Fontaine… Để phù hợp với học sinh lớp 1, các tác giả còn chỉnh sửa một số chi tiết trong truyện.

Chuyện "Hai con ngựa" được tách thành hai phần trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều

“Ví dụ, trong truyện “Hai con ngựa” của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Vì không thể khuyên trẻ em như nguyên tác câu chuyện nên ở đây có hai chi tiết chúng tôi phải sửa. Thứ nhất, để ngựa tía khuyên ngựa ô trốn đi. Thứ hai, không đề cập đến giới tính (nói ngựa đực chăm và ngựa cái lười) vì dễ gây phản ứng và cũng vì đến bài này học sinh chưa học các vần ‘ưc’, ‘ai’. Chuyện ‘Ve và kiến’ chúng tôi đổi thành ‘Ve và gà’ vì học sinh chưa học vần ‘iên,” giáo sư Thuyết chia sẻ.

Cũng liên quan đến bài “Hai con ngựa”, bài nhận được rất nhiều ý kiến phản biện của dư luận, ông Thuyết cho hay chuyện này cũng như một số chuyện khác, được tách làm hai phần, có đánh số 1, 2 và dạy liền nhau, để tránh học sinh phải đọc một chuyện quá dài.

“Tuy nhiên, những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách của chúng tôi cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2 để người đọc tin vào những lời mà họ nói. Nếu đọc cả hai phần, mọi người sẽ hiểu ý nghĩa giáo dục là nếu xúi người khác làm điều xấu thì sẽ gánh hậu quả,” giáo sư Thuyết phân trần.

Tuy nhiên, giáo sư Thuyết cũng nhấn mạnh là sẽ có chỉnh sửa sách trong thời gian tới. "Chúng tôi sẽ đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh cho ngày càng phù hợp hơn,” Tổng chủ biên bộ Cánh Diều nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục