Tổng chiều dài sạt lở bờ sông tại Quảng Nam lên tới 82km

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 75 vị trí, điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 82km, trong đó có nhiều điểm đặc biệt nghiêm trọng ở các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn, thành phố Hội An.
Đoạn bờ sông bị sạt lở đoạn qua thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 75 vị trí, điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 82km, trong đó có nhiều điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn, Đại Lộc, thành phố Hội An…

Tình trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân dọc bờ sông, gây thiệt hại nhiều ha đất sản xuất nông nghiệp cũng như các công trình hạ tầng khác.

Mỗi lần có mưa lớn, gia đình ông Nguyễn Chín ở thôn An Lạc, xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) lại thấp thỏm lo lắng.

Ngôi nhà 2 tầng khang trang của gia đình ông Chín hiện chỉ còn cách bờ sông Ly Ly gần 10m, trong khi trước đây khoảng cách này là hàng chục mét.

Để tự bảo vệ tài sản, ông Chín đã phải đổ cọc bêtông để kè dọc đoạn gần nhà nhằm hạn chế nước sông làm xói lở đất.

Dọc theo tuyến sông Ly Ly ở thôn An Lạc hiện có rất nhiều ngôi nhà bỏ hoang vì người dân phải di dời đi ở chỗ khác do tình trạng sạt lở của đoạn sông này diễn ra quá nhanh, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Hiện nay, tổng chiều dài sạt lở trên sông Ly Ly ở xã Duy Thành là gần 2km, có năm nước sông xâm thực vào khu dân cư từ 10-15m.

Đặc biệt nhiều công trình dân sinh như trạm cấp nước sạch, trạm hạ thế điện, trạm tiếp sóng và truyền dẫn thông tin bưu điện của xã Duy Thành cũng nằm gần bờ sông.

Ông Lê Trung Xuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Duy Thành cho biết xã có 250 hộ dân đang nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng sạt lở bờ sông và mới có 6 hộ dân di dời đến nơi ở mới, số hộ còn lại chính quyền đang tiếp tục vận động.

Những năm qua, địa phương đã huy động nhân dân trồng tre, đóng cọc tre ven sông để ngăn chặn xói lở nhưng tình hình không mấy được cải thiện, trong khi kinh phí cho việc làm kè chắn kiên cố rất lớn, vượt khả năng của xã, huyện.

Đây cũng là thực trạng chung diễn ra tại nhiều điểm nóng về sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, mạng lưới sông của tỉnh có hình nan quạt; đặc biệt lòng sông uốn khúc rất mạnh kết hợp với tốc độ và thời gian truyền lũ trên 2 nhánh sông chính của tỉnh là Vu Gia, Thu Bồn những năm gần đây đều rất lớn là một trong những nguyên nhân gây xói lở.

Tỉnh Quảng Nam vừa hoàn thành việc rà soát, tổng hợp tình hình sạt lở bờ sông và lập danh mục các dự án kè để đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn, đưa vào danh mục đầu tư trung hạn.

Trước mắt, các địa phương quy hoạch lại các cụm dân cư, cảnh báo những khu vực có khả năng xói lở nghiêm trọng để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục