Tổng biên tập báo Die Zeit: EU nên tự định vị mình như thế nào?

Tổng biên tập báo Thời đại (Die Zeit) của Đức có bài viết với tiêu đề "EU nên tự định vị mình như thế nào?" thể hiện quan điểm riêng và có thể khác biệt với quan điểm của nhiều người.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) tại cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến Trung Quốc- EU ở Brussels, Bỉ, ngày 22/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng zeit.de đưa tin báo Thời đại (Die Zeit) của Đức mới đây đăng bài viết của tác giả Theo Sommer, nguyên Tổng biên tập tờ báo này, với tiêu đề "EU nên tự định vị mình như thế nào?" nội dung chính như sau:

Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc (CAI) và mục tiêu ngân sách quốc phòng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là 3 vấn đề mâu thuẫn lớn mà châu Âu cần phải giải quyết với chính quyền mới của Mỹ.

Chúng ta nên dừng thực hiện hay tiếp tục hoàn thành dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2?

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, việc NATO yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP có ý nghĩa gì?

Liệu có nên hoàn tất hiệp định CAI hay không? Về những vấn đề này, tác giả bài viết có quan điểm riêng và có thể khác biệt với quan điểm của nhiều người.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Từ những năm 1970, khi cố Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức cũ) Willy Brandt cùng với Liên Xô xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đầu tiên để cung cấp khí đốt cho Đức, thì Liên Xô (và Nga sau này) đã là nhà cung cấp đáng tin cậy.

Ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, quan hệ đối tác năng lượng Xô-Đức vẫn tiến triển tốt. Cả hai lần gián đoạn chuyển giao khí đốt xảy ra sau này đều là do những bất đồng về giá cả giữa Ukraine và Nga.

Từ năm 2011, hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đã vận chuyển 55 tỷ mét khối khí mỗi năm.

Hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp tăng gấp đôi lưu lượng này.

[Đức khẳng định cần tiếp tục dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Đây là điều cần thiết cho giai đoạn chuyển tiếp năng lượng ở châu Âu vì lượng khí đốt tự nhiên ở đây sẽ sớm phải được thay thế do các nguồn cung cũ đã cạn kiệt.

Việc Đức loại bỏ than đá (năm 2018), điện hạt nhân (năm 2022) và than nâu (chậm nhất là năm 2038) càng tạo ra khoảng trống nguồn cung mà các nguồn năng lượng tái tạo không thể lấp đầy một cách nhanh chóng.

Và có một số điều không thể chối bỏ. Thứ nhất, nước Đức không phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt từ Nga khi chỉ khoảng một nửa nhu cầu của Đức đến từ đó.

Thứ hai, chính phủ Đức chưa bao giờ chịu khuất phục trước Điện Kremlin.

Tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - rằng qua thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga, Berlin sẽ bị Nga "kiểm soát hoàn toàn" - chỉ là một trong những dòng tweet của ông.

Thứ ba, trong mọi trường hợp, nguồn cung khí đốt cho Đông Âu hiện đã được đảm bảo, vì khí đốt có thể được vận chuyển ngược từ Tây sang Đông.

Trên hết, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đảm bảo rằng thỏa thuận vận chuyển khí đốt mới với Nga sẽ giúp Ukraine tiếp tục nhận được nguồn thu từ việc quá cảnh khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Rốt cuộc, người Mỹ hoàn toàn "đạo đức giả" khi cáo buộc rằng chúng ta mua khí đốt của Nga là đã tài trợ cho ngân sách của Putin, vì chính họ là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Nga.

Năm 2019, Mỹ nhập khẩu khối lượng dầu thô từ Nga trị giá khoảng 13 tỷ USD. Nửa đầu năm 2020, khối lượng nhập khẩu của Mỹ thậm chí đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ khi nào Tổng thống Biden từ bỏ chiến lược "kìm kẹp" đồng minh của ông Trump thì Mỹ và châu Âu mới có thể tìm ra được một giải pháp phù hợp cho cả hai phía.

Vụ tấn công chính trị gia đối lập Alexej Navalny và việc Moskva bắt giữ, kết tội anh ta sau khi trở về Nga phải bị lên án một cách mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, việc hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 thậm chí có thể mang lại lợi ích cho chính Navalny.

Sau các cuộc biểu tình rầm rộ ở Nga, khả năng một ngày nào đó ông ta trở thành một nhân vật quan trọng trong hệ thống chính trị ở Nga là điều có thể xảy ra.

Nếu Navalny hoặc ai đó tương tự ông ta có thể tiến xa, họ sẽ rất cần nguồn thu nhập từ năng lượng để đưa nền kinh tế ốm yếu của Nga thoát khỏi các cuộc khủng hoảng thường xuyên.

Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu cắt nốt sợi dây cuối cùng kết nối chúng ta với nước Nga.

Johann David Wadephul, Phó Chủ tịch nhóm nghị sỹ liên đảng Dân chủ cơ đốc giáo/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội Liên bang Đức, mới đây đã nói rằng việc từ bỏ đối thoại với Nga sẽ không mang lại lợi ích cho người Đức cũng như người Nga.

Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông đề nghị EU cần phải đối thoại với Nga về những vấn đề khó khăn trong quan hệ giữa hai bên, và Đức cần phải đóng vai trò lớn trong việc này. Đây là những tiếng nói hoàn toàn mới. Hy vọng rằng chúng sẽ thắng thế.

Mục tiêu 2% của NATO

Trên toàn thế giới, việc tăng cường sức mạnh quân sự đang được thực hiện hết sức mạnh mẽ.

Các khoản đầu tư cho quốc phòng đang tăng lên ở khắp nơi: ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả ở châu Phi.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), mỗi năm, 193 quốc gia trên thế giới chi khoảng 2.000 tỷ USD cho quốc phòng, và 1.000 tỷ USD nữa đã được lên kế hoạch đầu tư thêm cho lĩnh vực này mỗi năm trong thập kỷ tới đây.

Với NATO, hàng năm liên minh quân sự này chi khoảng 1,03 nghìn tỷ USD cho quốc phòng. Trong số 30 quốc gia thành viên, đến nay mới có 10 nước đạt được mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng theo yêu cầu của khối.

Với Đức, từ năm 2014 đến nay ngân sách quốc phòng đã tăng từ mức 32,4 tỷ euro lên mức 45,2 tỷ Euro; nhưng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mục tiêu mà Berlin chính thức xác định là 1,5% vào năm 2024 và 2% vào năm 2031.

Do tác động của đại dịch, GDP của Đức năm 2020 sụt giảm mạnh nên nếu xét các số liệu theo toán học, thực tế nước Đức đã đạt được mục tiêu 1,5% GDP cho quốc phòng ngay trong năm 2020.

Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự vô nghĩa của con số 2% GDP theo yêu cầu của NATO, vì cứ như thể sự sụt giảm sản lượng kinh tế lại giúp gia tăng ngân sách quốc phòng vậy.

Hiện tại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang kêu gọi gia tăng hơn nữa ngân sách quốc phòng. Đó là điều phi lý.

Tướng Eberhard Zorn, Tham mưu trưởng của Quân đội Đức, mới đây đã nói rằng với tư cách là một công dân, ông nhận thấy đại dịch khiến cho chúng ta bắt buộc phải chi tiêu nhiều tiền hơn để cứu nền kinh tế, đồng thời dự kiến sẽ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng nhiều hơn và phải xem xét lại các mục tiêu đã đặt ra trong lĩnh vực này.

Theo ông, chẳng có ý nghĩa gì khi đặt ra các mục tiêu cho NATO mà “không quốc gia thành viên nào có thể đảm đương được do phải đối mặt với gánh nặng ngân sách do đại dịch COVID-19.”

Người Đông Âu đang lo sợ những mối đe dọa nào, và mối đe dọa đó thực tế là gì? Trong kỷ nguyên không gian mạng như hiện nay, không phải chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến sai lầm hay sao?

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, về mặt an ninh an toàn, một y tá quân y thậm chí còn quan trọng hơn cả một sư đoàn lính chiến. Liệu chúng ta có thực sự cần một khối lượng đạn dược và trang thiết bị quân sự mới thay thế thiết bị hiện tại khiến chúng ta phải chi tới 10 tỷ euro trong 10 năm tới hay không?

Việc đàm phán để cắt giảm các kho vũ khí không tốt hơn việc tăng cường vũ khí hay sao?

Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc

Đối với EU, Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là nhân tố cạnh tranh và là đối thủ mang tính hệ thống.

Trung Quốc không phải là một phần trong cộng đồng giá trị phương Tây, các chính sách của quốc gia này với vấn đề nội bộ như HongKong, Tân Cương hay vấn đề đối ngoại như Biển Đông, Ấn Độ, Australia... luôn tạo ra nhiều mối quan ngại.

Nhưng cùng với Mỹ, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (thứ 3, trái) phát biểu tại Đối thoại chiến lược cấp cao EU-Trung Quốc lần thứ 10 thông qua hình thức trực tuyến ở Bắc Kinh ngày 9/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày nay, các nền kinh tế đan xen chặt chẽ nhau, tới mức một chiến lược đối đầu mạnh mẽ hoàn toàn dựa trên ý thức hệ là điều không được phép nghĩ tới.

Tuy nhiên, các nhà chính trị phải đảm bảo được rằng mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và EU phải dựa trên nguyên tắc công bằng và có đi có lại.

Trong suốt 7 năm đàm phán với Trung Quốc, EU luôn cố gắng duy trì nguyên tắc này.

[Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Thực hư về trọng lượng kinh tế]

Việc kết thúc các cuộc đàm phán khó khăn với Bắc Kinh là mục tiêu hàng đầu của Thủ tướng Merkel trong nhiệm kỳ Đức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng EU nửa cuối năm 2020.

Đó chẳng phải là bí mật gì. Trong thực tế, hiệp định CAI đã được hoàn tất vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Đức.

Tất nhiên, hiệp định này không đáp ứng được tất cả các kỳ vọng, nhưng Trung Quốc đã chịu nhượng bộ, điều mà những tháng trước đó gần như không thể có được.

Nước này đã chấp nhận mở cửa thị trường trong các lĩnh vực chính như viễn thông, dịch vụ tài chính, y tế, bất động sản và vận tải biển.

Bắc Kinh cũng đồng ý loại bỏ yêu cầu các doanh nghiệp châu Âu phải liên doanh liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc và phải chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp này.

Bắc Kinh còn cam kết tăng tính minh bạch các khoản trợ cấp của chính phủ.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cam kết phê chuẩn các công ước của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc cấm lao động cưỡng bức - dù đây mới chỉ là một lời cam kết nhưng trong trường hợp Trung Quốc không giữ lời, ít nhất EU cũng có thể đưa vấn đề này ra cơ chế trọng tài mà không bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Matthew Pottinger, Phó Cố vấn An Qinh quốc gia của chính quyền Trump, trách cứ EU vì liên minh này đã quá vội vàng thông qua hiệp định đầu tư với Trung Quốc.

Nhưng một năm trước đây, chính ông Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, đồng thời cho tiếp tục các cuộc đàm phán giai đoạn 2 của thỏa thuận này (sau đó vì phải tập trung vào cuộc bầu cử nên các cuộc đàm phán phải tạm dừng).

Không chỉ vậy, năm 2020, Mỹ đã nhập khẩu từ Tân Cương một lượng hàng hóa trị giá gấp đôi so với năm 2019.

Các sản phẩm chính Mỹ nhập khẩu từ đây gồm tuabin điện gió, hóa chất và đồ trang trí Giáng sinh. Trong trường hợp này, thói "đạo đức giả" của Mỹ cũng được thể hiện rất nổi bật.

Cũng có những tiếng nói ngờ vực từ chính quyền của Tổng thống Biden rằng tại sao EU không tham vấn với Mỹ trước khi đồng ý với Trung Quốc về hiệp định CAI?

Thực tế thì hoàn toàn có đủ thời gian cho việc này, vì hiệp định CAI mới chỉ được thống nhất về nguyên tắc và cần được soạn thảo chi tiết.

Để hoàn thiện, CAI sẽ mất nhiều thời gian và nhiều cuộc đàm phán nữa.

Với tân Tổng thống Biden, không sớm thì muộn ông cũng sẽ phải khởi động lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương với EU mà chính quyền tiền nhiệm của ông đã rời bỏ.

Bước đi đó sẽ tạo không gian cho các thỏa thuận giữa Mỹ và châu Âu, đồng thời cũng là không gian cho việc kiên quyết duy trì và bảo vệ các giá trị và lợi ích của phương Tây, không nhượng bộ và cũng không biến Trung Quốc trở thành kẻ thù số 1 của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục