Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri: Càng cán bộ cấp cao càng phải nêu gương

Ngày 8/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri: Càng cán bộ cấp cao càng phải nêu gương ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 8/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, thông báo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội đã thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; trả lời, giải trình rõ những vấn đề cử tri nêu trong cuộc tiếp xúc cử tri lần trước, như tình trạng luật khung, luật ống, tính ổn định của luật chưa cao, sớm phải sửa đổi, bổ sung; tình trạng giáo dục chạy theo thành tích, thương mại hóa, ảnh hưởng chất lượng đào tạo; quy định về tuổi nghỉ hưu; hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội…

Cử tri phấn khởi, tin tưởng về thành tựu của đất nước

Nhiều cử tri bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhờ vậy trong điều kiện nhiều khó khăn, thử thách, nước ta tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…

Nhấn mạnh Kỳ họp Quốc hội lần này rất quan trọng, cử tri mong muốn Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; đồng thời đề ra các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, đây cũng là một cách để Quốc hội giám sát, một cách để răn đe, ngăn chặn.

Cử tri bày tỏ nhất trí với nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV; tin tưởng Quốc hội dưới sự điều hành của chủ tọa kỳ họp, sẽ hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.

Một số đại biểu hoan nghênh Quốc hội tạm hoãn việc xem xét thông qua Luật Đặc khu.

Dẫu biết rằng việc phát triển 3 đặc khu nhằm phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, nhưng cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng liên quan đến đất đai, 3 đặc khu nằm 3 miền đất nước, có vị trí chiến lược quan trọng.

Dẫn lại lời Bác Hồ: “Không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên,” cử tri mong rằng, những việc dân chưa hiểu thì phải giải thích cho dân hiểu, không gò ép.

Còn nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm hơn nữa hệ thống giáo dục đào tạo, đây là vấn đề quan trọng liên quan sự phát triển đất nước; cần có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên vừa có tâm vừa có tầm; coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện nhân cách cho học sinh; việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa cần phù hợp, bảo đảm sự ổn định, tránh lãng phí.

Cử tri đề nghị cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, cát tặc, lâm tặc hoành hành, cho vay nặng lãi, sản xuất thực phẩm bẩn; tăng cường quản lý xã hội, quản lý tài nguyên, chống ô nhiễm môi trường; khắc phục cho được tình trạng thiếu cầu, đường, thiếu trường lớp học…

Nhiều cử tri băn khoăn lo ngại về tình hình sạt lở, tai nạn giao thông… ảnh hưởng đến việc đi lại làm ăn của nhân dân, gây thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tuy đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, các thầy thuốc giỏi tập trung ở các thành phố lớn, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng vẫn lưu hành… đòi hỏi ngành y tế cần nỗ lực rất nhiều, mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cử tri đề nghị, trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, cần chú trọng các vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết hài hòa, thấu đáo các yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân.

[Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội]

Góp ý vào nhiều dự luật cụ thể

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, tuy nhiên nhiều cử tri lo ngại về tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh, chất kích thích… trong trồng trọt, chăn nuôi, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh ung thư và chết vì ung thư gia tăng, Việt Nam hiện thuộc top 2 trên bản đồ ung thư thế giới.

Bên cạnh đó, để tránh các đợt "giải cứu" củ cải, lợn…, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn, dự báo, cung cấp thông tin cho người nuôi trồng, có kế hoạch sản xuất phù hợp thị trường, không để xảy ra khủng hoảng thừa, đồng thời phải tăng cường giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giám sát việc thực thi luật, bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan…

Tham gia ý kiến về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, cử tri Trần Hồng Lam, Hội Phụ nữ quận Hoàn Kiếm, nhấn mạnh việc nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống các bệnh không lây nhiễm gắn với mục tiêu tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Cử tri đề nghị, cần hạn chế nguồn cung, hạn chế sử dụng rượu bia, lạm dụng đồ uống có cồn. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, các văn bản hướng dẫn thi hành cần được ban hành kịp thời.

Đóng góp về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), cử tri nêu 2 vấn đề quan tâm, đó là thu hồi tài sản tham nhũng và xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Cử tri đề nghị, đối với những tài sản bất minh, cần tịch thu, xung công quỹ như các nước khác đã làm, và như vậy sẽ khiến người ta không còn muốn tham nhũng. Đồng thời, cần quy định rõ cơ chế kiểm soát tài sản, cơ chế thanh toán tiền mặt, bảo đảm thực hiện hiệu quả Luật này sau khi ban hành…

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến sâu sắc, xác đáng của cử tri, nêu nhiều vấn đề phong phú, đề cập đúng những vấn đề liên quan đến chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới, đánh giá cao thành tựu đất nước thời gian qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và kiến nghị các giải pháp sắp tới.

Những ý kiến đóng góp cụ thể của cử tri vào các dự án luật: Phòng, chống tham nhũng, Công an, Chăn nuôi, Trồng trọt… sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã trả lời, trao đổi những vấn đề liên quan đến các công việc của thành phố, giải trình rất đầy đủ những vấn đề cử tri nêu.

Phòng chống tham nhũng - Mối quan tâm hàng đầu

Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ tin tưởng, đồng tình ủng hộ Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; ghi nhận, đánh giá cao những kết quả quan trọng đã đạt được.

Từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đã có thêm nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xử lý, như vụ Vũ Nhôm, vụ đánh bạc công nghệ cao, vụ Mobifone mua AVG…

Tuy nhiên, nhiều cử tri còn băn khoăn về việc kê khai, kiểm soát tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế, việc xử lý một số vụ án tham nhũng còn chậm, chưa thỏa đáng.

Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước xử lý thật nghiêm những hành vi, đối tượng dùng thủ đoạn không chính đáng để vơ vét tiền của Nhà nước, nhân dân...

Cử tri Trần Công Dân, phường Thành Công, quận Ba Đình, phân tích tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào nhân cách mỗi con người, ma lực tham nhũng dẫn đến con người mất hoàn toàn nhân cách.

Trước đây, khi Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời, đều được chuẩn bị tương đối công phu, nhân văn, khoa học, triển khai cũng rất quyết liệt, cử tri, nhân dân kỳ vọng nhiều lắm, nhưng kết quả phòng chống tham nhũng chưa được như mong muốn, các quy định về phòng chống tham nhũng chưa đồng bộ, kể cả quy định của Đảng, chỉ thấy đơn vị khác, người khác tham nhũng mà thôi.

Cử tri cho rằng, chỉ sau Đại hội XII, công tác phòng, chống tham nhũng mới được đặt đúng vị trí, chặn đứng được luồng gió độc hại, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản trị của Nhà nước phải theo kịp yêu cầu của xã hội.

Trao đổi về những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh xoay quanh câu chuyện đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỳ tiếp xúc cử tri nào cử tri cũng rất quan tâm. “Các bác quan tâm là phải, từ tham nhũng dẫn đến mất chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng, mất niềm tin là mất tất, dân không ủng hộ thì thất bại, dân ủng hộ thì thành công,” Tổng Bí thư nói.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả, cụ thể, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói chung.

Về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới, Tổng Bí thư cho biết, đây là lần thứ 3 Quốc hội đưa ra thảo luận và sẽ quyết tâm thông qua tại Kỳ họp này.

Các vấn đề trong dự Luật đã được thảo luận nhiều, cơ bản đã được thống nhất, nhưng có 2 vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri đều rất quan tâm, đó là việc kê khai, kiểm soát tài sản và xử lý tài sản do tham nhũng mà có; việc xử lý các vụ án tham nhũng còn chậm, mức xử lý chưa thật nghiêm.

Trước hết về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, đây là vấn đề khó vì nhiều biến tướng, thiên biến vạn hóa, liên quan đến luật khác, đến quyền cá nhân, quyền công dân, quyền bí mật tài sản… cho nên phải sửa thế nào cho đồng bộ, phải xử lý mối quan hệ đó.

Về mặt tiêu cực là không kiểm soát được tài sản, dẫn đến trí trá trong kê khai, hoặc có rồi, vi phạm vào tham nhũng thì không xử lý được.

Về câu hỏi của cử tri: Việc xử lý các vụ án có chậm không? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Vừa qua đã khắc phục được rất nhiều, 5 năm nay đưa vụ nào ra là làm đến nơi đến chốn, công khai hết rồi.

Quy trình xử lý, xem xét qua các khâu, các bước phải theo luật, có chứng cứ, có sức thuyết phục.

Vừa qua nhiều vụ đã được xử lý vượt yêu cầu về thời gian như vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đều sớm hơn dự kiến, làm tập trung quyết liệt.

Tổng Bí thư chỉ rõ phải qua thanh tra, kiểm tra, rồi đến khởi tố, điều tra, truy tố theo Luật Hình sự… qua nhiều khâu, nhiều bước mới chứng minh rõ được thế này là phạm tội, thế này là không phạm tội, thế này là nhẹ, thế này là nặng, đối chiếu mức án đến đâu, xử lý đến đó.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, có trường hợp phải bắt tạm giam, cấm trốn đi nước ngoài, cấm hủy hoại, phân tán tài sản…

Xử cũng không phải một lần là xong, có vụ 2-3 năm nay, nhiều vụ đối với một cá nhân, nhưng liên quan đến nhiều người, lại phải đi tìm… quy trình rất phức tạp.

Các vụ việc vừa qua đưa ra xử về cơ bản là tốt, đúng yêu cầu, đứng mức độ. Có ý kiến cho rằng việc xử lý chưa nghiêm, nhưng phải căn cứ vào kết luận, tội danh thế nào mới xử vào mức án tương ứng, mức này cảnh cáo, khai trừ, xử lý hình sự, mức này chỉ xử lý hành chính…, phải có chứng cứ thuyết phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

Việc xử lý không phải cốt cho thật nặng mới là tốt, mà phải thấy được vấn đề, cũng là để răn đe ngăn ngừa để không xảy ra thì tốt, mục đích là chống để xây, xây tốt đỡ phải chống.

Việc xử lý phải xem xét nhiều mặt, phải bình tĩnh làm từng bước vững chắc, làm đâu chắc đấy, hết khâu này sang khâu khác…

Về việc thu hồi tài sản, trước đây là khâu yếu, án treo nhiều, nhưng bây giờ đã khắc phục được tất cả những hạn chế ấy rồi.

Riêng vụ AVG thu hồi 8.500 tỷ đồng, cốt là thu hồi được tài sản cho Nhà nước, giáo dục răn đe, ngăn ngừa không để xảy ra nữa, người khác trông vào phải sợ, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Càng cán bộ cấp cao càng phải gương mẫu

Tại các cuộc tiếp xúc, đa số cử tri hoan nghênh, đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ 9 nội dung cần nêu gương, 9 nội dung cần nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Cử tri mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng về mọi mặt, cần kiệm liêm chính chí công vô tư, để nhân dân tin yêu, mến phục.

Về vấn đề này, Tổng Bí thư chỉ rõ lần này Ban Chấp hành Trung ương thống nhất việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương, tất cả cán bộ đảng viên đều phải làm, nhưng trước hết là các ông lãnh đạo cao nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên ban Bí thư, gần 200 ông Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

Đảng đã có nhiều quy định, quy chế, 19 điều đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái mọi người đều phải chống. Bác Hồ đã nói: “Một tấm gương sống bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.”

Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, trước hết là người đứng đầu, cách đây 2 năm Bộ Chính trị ban hành quy định về việc này rồi.

Lần này nâng lên Ban Chấp hành Trung ương ban hành, vị trí lớn hơn, thẩm quyền cao hơn, tính chất quan trọng hơn nhiều.

Đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương nêu gương thực hiện các điều đã có, “nếu không gương mẫu làm cán bộ làm gì.”

Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải làm công bộc của dân, gánh vác công việc chung cho dân, không được đè đầu cưỡi cổ nhân dân, “cán bộ càng cao càng phải nêu gương,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện những quy định đã có, nhưng lần này nhấn mạnh trách nhiệm gần 200 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng phải gương mẫu làm trước, Trung ương đã thảo luận và thống nhất rất cao.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta quy định thẳng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương phải gương mẫu, từng đồng chí phải soi vào, làm gương để cho nơi khác làm theo.

Lòng dân, ý Đảng đồng thuận

Cử tri phấn khởi trước những thành công của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa qua, các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị đều mang tính thời sự trọng đại đối với sự phát triển bền vững đất nước, đối với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ.

Cử tri bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, tại kỳ họp sắp tới, đó là “Lòng dân, ý Đảng đồng thuận.”

Tổng Bí thư trân trọng cảm ơn cử tri đồng tình cao với quyết định của Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Trước đây, Bác Hồ đồng thời làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, sau đó tách ra. Bây giờ là tình huống. Vừa rồi không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo, các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước đã hết lòng cứu chữa nhưng không qua khỏi. Bây giờ khuyết chức danh này, phải có người làm ngay.

Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã chuẩn bị nhiều phương án, qua quá trình thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm và thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư ra để Quốc hội bầu.

Không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì như vậy, nhưng không đúng nghĩa, đây là 2 cơ chế khác nhau, 2 cơ quan khác nhau, nói kiêm thì vai nào chính vai nào phụ. Cũng không nên nói nhất thể hóa, mà là bầu ông này để làm hai việc này.

Bước đầu dư luận trong nước, quốc tế đồng tình ủng hộ và qua hội nghị này biết được tâm tư tình cảm của cử tri, Tổng Bí thư trân trọng cảm ơn và cho rằng, đây là ý kiến của Trung ương, còn tùy vào kết quả Quốc hội bầu tại Kỳ họp sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục