Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 30/8, để chào mừng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng Chín, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn về đề tài “Quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga: tiềm năng và vấn đề phát triển.”
Hội thảo đã quy tụ hầu hết các nhà Việt Nam học nhiều thế hệ, các tham luận đọc tại diễn đàn có nội dung nghiên cứu sâu sắc và đưa ra bức tranh toàn diện về mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Mở đầu cuộc họp báo trước Hội thảo, Giám đốc Viện Viễn Đông Sergey Luzianin tin tưởng rằng chuyến thăm tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ làm sâu sắc thêm một cách có chất lượng, có trách nhiệm ở các phương diện kinh tế, chính trị, nhân đạo, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Ở bình diện chính trị, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã đạt đến tầm cao của quan hệ đối tác chiến lược.
Việt Nam thuộc nhóm nước có quy chế chính trị cao trong quan hệ với Liên bang Nga. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận về thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), qua đó không chỉ mở rộng quan hệ với Liên bang Nga mà còn cả với 5 quốc gia thuộc EAEU.
Nhân đạo và du lịch cũng là một định hướng phát triển quan hệ giữa hai bên, kết quả trong lĩnh vực này đang tăng lên; Trao đổi văn hóa, giáo dục giữa hai nước cũng đạt bước tiến.
[Việt Nam và Nga quyết tâm thúc đẩy hợp tác toàn diện năng động]
Xu hướng đang ngày càng tích cực, đặc biệt vào năm 2019 lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ, hai nước sẽ tiến hành năm chéo – Năm Liên bang Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Liên bang Nga.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về thực trạng đào tạo ngành Việt Nam học tại Liên bang Nga hiện nay, các chuyên gia ghi nhận chất lượng và số lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đặc biệt, chỉ có khoảng 10% số đào tạo ra đi theo con đường nghiên cứu khoa học, trở thành chuyên gia về Việt Nam. Tỷ lệ này không khỏi khiến lo ngại về một khoảng trống đằng sau các thế hệ Việt Nam học đầu tiên nay đã có tuổi.
Quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga ngày nay còn thể hiện vai trò khi tình hình khu vực và thế giới đang ở trong điều kiện mới: Nga tăng cường chính sách “hướng Đông,” cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, quan hệ Nga-Trung Quốc.
Nga luôn khẳng định Việt Nam là cây cầu nối vào khu vực ASEAN, nơi Nga dự định sẽ thiết lập quan hệ vững bền.
Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các dự án khu vực khác.
Hoạt động tích cực đó của Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa khi tới đây Nga sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, tập hợp khá đông lãnh đạo các nước châu Á.
Trong điều kiện chính sách án phạt mà Mỹ và phương Tây áp dụng với Nga thì việc khai phá và chiếm lĩnh vị thế trên thị trường châu Á, trong đó có thị trường Việt Nam, là định hướng rất quan trọng đối với Liên bang Nga.
Là một trong những chuyên gia hàng đầu của Liên bang Nga nghiên cứu về Việt Nam, Giám đốc Viện ngiên cứu Việt Nam và ASEAN Vladimir Mazyrin cung cấp đến các đại diện báo chí Nga về đặc thù của hệ thống chính trị ở Việt Nam với vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản.
Ông Mazyrin cũng đặc biệt nhấn mạnh đến uy tín cá nhân của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà ông kiên quyết tiến hành tại Việt Nam và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nước quốc tế.
Trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế của mình, tiến sỹ Mazyrin cho biết cho dù xuất hiện các dự án đầu tư mới, quy mô như dự án phát triển ngành chăn nuôi và sản xuất thực phẩm của Tập đoàn TH True Milk đã triển khai tại 4 tỉnh của Liên bang Nga, song nhiệm vụ tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020 là nhiệm vụ không dễ dàng và rất cần phải có những dự án chiến lược nếu muốn đạt được con số đó.
Ông cũng cho rằng để xứng với tầm quan hệ đối tác chiến lược, Liên bang Nga cần được tiếp cận với những lĩnh vực chiến lược của Việt Nam, trong đó có điện hạt nhân, cũng như những dự án quy mô và có ý nghĩa xã hội khác như giao thông tàu điện ngầm.
Bước sang phần tham luận, có thể thấy Việt Nam được nghiên cứu một cách đa dạng, khoa học, có chiều sâu lịch sử song bám sát thực tiễn trong nước, quốc tế và khu vực.
Đường lối “Đổi mới” mà đất nước tiến hành từ năm 1986 đã đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội, chấm dứt siêu lạm phát, vươn lên tầm “con hổ châu Á.”
Chính sách đối ngoại của đất nước dựa trên nguyên tắc độc lập, tự cường, hòa bình, hợp tác đa phương, hội nhập tích cực, được đánh giá là đã cải thiện được hình ảnh quốc tế của Việt Nam và tạo được điều kiện thuận lợi tối đa để phát triển đất nước.
Được đánh giá là cánh cửa mở vào ASEAN, sự kiện Việt Nam sắp tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN cũng được thảo luận tại Hội thảo.
Qua trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia The Workshop of Eurasian Ideas Foundation Grigory Trophimchuk cho biết trong những năm gần đây, vai trò của Việt Nam đang gia tăng cả về kinh tế lẫn chính trị không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, mà cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu.
Chính vì lý do đó mà tại Việt Nam diễn ra nhiều diễn đàn có ý nghĩa trong việc quyết định kinh tế ở các khu vực trên.
Châu Á-Thái Bình Dương là điểm then chốt trong tăng trưởng tài chính và kinh tế toàn cầu. Năm 2017 Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và năm nay đang chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN.
Điều đó cho thấy vai trò và trọng lượng của Việt Nam đang tăng mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Nga quan tâm đến phát triển quan hệ kinh tế với ASEAN, thêm vào đó tình hình thế giới hiện nay có nhiều bất ổn, trong đó có tại ASEAN, nhiều diễn biến cả về chính trị lẫn quân sự khiến chúng ta cần phải chú trọng tăng cường an ninh.
Quan hệ Nga-Việt Nam-ASEAN không chỉ hướng đến bảo đảm an ninh trong khu vực, mà còn nhằm gia tăng những lợi ích về kinh tế và tài chính cho tất cả các nước tham gia./.