Tổng Bí thư thăm chính thức Hoa Kỳ: Chuyến thăm lịch sử

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ, từ 6-10/7 tới. Chuyến thăm lịch sử diễn ra vào thời điểm quan trọng với quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, từ ngày 6 đến ngày 10/7 tới.

Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ và 40 năm chấm dứt chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng Bảy - Đây không chỉ là dịp hơn 320 triệu người dân Hoa Kỳ hướng về kỷ niệm ngày Tuyên ngôn Độc lập (4/7), mà còn ghi nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Ngày 12/7/1995, hai nước bình thường hóa quan hệ, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đúng 5 năm sau, ngày 13/7/2000, hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA).

Và tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Trong những ngày tháng Bảy này, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, người từng chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam 20 năm về trước, đã có mặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để tham dự các hoạt động kỷ niệm, đó chính là hiện hữu của niềm tin và thiện chí tiếp tục hướng tới một tương lai rộng mở hơn trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.

Nhìn lại 20 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển nhanh chóng, tích cực, trên nhiều lĩnh vực. Dù xa cách nhau về địa lý và có những khác biệt, dù trải qua những trang đau buồn trong quá khứ, nhưng với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai,” Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn có thể cùng nhau xây dựng một mối quan hệ Đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc thường xuyên tại các diễn đàn đa phương, đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc, đối thoại, hai bên đều khẳng định mong muốn xây dựng “quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.” Hai nước cũng đã ký kết nhiều văn bản, hiệp định, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Kể từ khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) có hiệu lực năm 2001 đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ gia tăng nhanh chóng và thực sự là trọng tâm trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong 3 năm gần đây, đạt 36 tỷ USD năm 2014, trong đó Việt Nam xuất hơn 30 tỷ USD.

Từ năm 2015, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ đạt gần 11 tỷ USD, đứng thứ bảy trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam có gần 17.000 sinh viên đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á và đứng thứ tám trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Hoa Kỳ. Dự án thành lập Đại học mô hình Hoa Kỳ ở Việt Nam (Đại học Fulbright) đang được tích cực triển khai. Hoa Kỳ tiếp tục cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam qua các chương trình học bổng như Fulbright và Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).

Hoa Kỳ coi trọng hợp tác y tế với Việt Nam, lựa chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong Chương trình hỗ trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS. Hai bên đang triển khai Dự án hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng giai đoạn 2013-2017, với tổng cam kết ban đầu là 17 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Gần đây, Hoa Kỳ tăng đáng kể nỗ lực và kinh phí giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nổi bật là dự án tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng (sẽ hoàn thành vào năm 2016). Bên cạnh các dự án rà phá bom mìn trên cạn, từ năm 2013, Hoa Kỳ bắt đầu tập huấn rà phá bom mìn dưới nước cho thợ lặn của Việt Nam.

Quan hệ hai nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng từng bước được tăng cường. Từ năm 2010, hai bên tiến hành đối thoại về chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng.

Năm 2011, hai bên ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình đào tạo tiếng Anh, hợp tác quân y, duy trì đón tàu hải quân của Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam hằng năm, cho phép Hoa Kỳ thực hiện một số chương trình hỗ trợ nhân đạo tại các địa phương.

Hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn… Năm 2014, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương.

Hai bên phối hợp tương đối chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như APEC, ARF, ADMM+, EAS và nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN lên Đối tác chiến lược...

Về vấn đề biển Đông, Hoa Kỳ ủng hộ chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) 2002.

Trong chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ trao đổi về định hướng phát triển quan hệ song phương theo hướng tích cực, ổn định trong giai đoạn tiếp theo; thúc đẩy các mặt hợp tác và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trọng tâm là tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng và thuận lợi hóa thương mại; đồng thời đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, quốc phòng an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác.

Hai bên cũng sẽ trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon để trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, khẳng định vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với công cuộc phát triển của Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa các quan hệ đối tác đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả, vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục