Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xử đúng mới là nghiêm

Tiếp xúc cử tri xã Cổ Loa (Đông Anh) và phường Thạch Bàn (Long Biên), Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn trả lời cử tri nhiều vấn đề liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri phường Thạch Bàn, quận Long Biên. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 6/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri xã Cổ Loa, huyện Đông Anh và phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Tại cuộc tiếp xúc, đa số cử tri bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn với không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, đề cập nhiều vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Cử tri bày tỏ phấn khởi, trong điều kiện nhiều khó khăn thách thức, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế​-xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…

Cử tri hoan nghênh những tiến triển trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm khiết, hành động, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không tặng quà, biếu xén trong dịp Tết…

Những năm gần đây, nhiều luật mới, chính sách mới được áp dụng, mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều luật khi đi vào cuộc sống đã bộc lộ những bất cập, như quy định về hạn mức đất nông nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng, chính sách đối với cán bộ xã (giữa cán bộ văn phòng Ủy ban Nhân dân và cán bộ văn phòng Đảng ủy)… chưa thật sự công bằng hợp lý.

Cử tri lo ngại về những ảnh hưởng ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi, nhiều cán bộ cao cấp đã sai phạm, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa rõ nét. Nhiều vụ tham nhũng tiêu cực do báo chí thông tin, sau đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc…

Cử tri đề nghị phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, như Đảng ta đã xác định cán bộ là “then chốt của then chốt”; đồng thời cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trong đó có việc nâng cao chất lượng giáo viên, tăng cường đầu tư trang thiết bị giáo dục, có chế độ chính sách tốt hơn, bảo đảm và nâng cao đời sống của giáo viên; quan tâm hơn nữa việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.

Cử tri quan tâm nhiều vấn đề dân sinh như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, quản lý trật tự xây dựng…; đề nghị sớm chấm dứt các dự án làm ăn thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Cử tri mong muốn, cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với các khu công nghiệp, bảo đảm đời sống công nhân lao động, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, để không bị thua ngay trên sân nhà, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng lần đầu tiên tiếp xúc cử tri xã Cổ Loa, huyện Đông Anh và phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Trước đây, theo thông lệ và quy định, các đại biểu Quốc hội ứng cử ở đơn vị bầu cử nào sẽ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử ấy.

Xuất phát từ thực tế và theo nguyện vọng của cử tri, lần này Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội đã có sáng kiến hoán đổi địa bàn tiếp xúc xử tri của các vị đại biểu Quốc hội.

Tổng Bí thư hoan nghênh cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến phong phú, tâm huyết, trách nhiệm, đề cập nhiều nội dung phong phú, cả của Trung ương, cả nước và của thành phố, huyện, xã; cả những vấn đề chung và những việc rất cụ thể.

Tổng Bí thư chân thành tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, các cơ quan liên quan; nhấn mạnh tiếp xúc cử tri thường xuyên, trước và sau mỗi Kỳ họp Quốc hội là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội theo luật định.

Chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm, liên quan đến việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nâng cao chất lượng công tác lập pháp…

Liên quan đến việc Việt Nam tham gia TPP, Tổng Bí thư nêu rõ Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập, tham gia ngay từ đầu để xây dựng Hiệp định. Tương lai Hiệp định thế nào, còn tùy thuộc vào sự thống nhất chung của các nước cùng tham gia.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng bao giờ cũng có mặt thuận và không thuận, đừng thấy mỗi mặt thuận, mà phải thấy khó khăn thách thức vô cùng lớn. Nếu không đủ lực không hội nhập được, nếu xây dựng luật pháp không đúng chúng ta cũng không làm được, hội nhập không được hòa tan, sức cạnh tranh của chúng ta không tốt thì chúng ta thua ngay trên sân nhà. Hội nhập đừng nghĩ phơi phới chỉ có thuận lợi, nhiều khó khăn thách thức lắm.”

Trước băn khoăn của cử tri về tình trạng luật vừa ban hành đã sửa đổi, Tổng Bí thư chia sẻ: “Các nước làm luật đã 300-400 năm rồi, Quốc hội chuyên làm luật. Ở nước ta, đại biểu Quốc hội chuyên trách mới có hơn 30% còn lại là kiêm nhiệm. Những năm gần đây mới tập trung vào xây dựng luật, nên chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều kiến thức, năng lực để xây dựng luật, cho nên có luật vừa thông qua đã thấy cần thiết sửa… Luật không chuẩn thì vào cuộc sống rất nguy hiểm.”

Tổng Bí thư nhấn mạnh​ xây dựng luật pháp là một chức năng cơ bản của Quốc hội; việc hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế​-xã hội, hội nhập thành công.

Tuy nhiên, cùng với công tác xây dựng luật pháp, cần bảo đảm pháp luật được thực thi, giám sát thi hành pháp luật, bảo đảm đưa luật vào cuộc sống. Mọi người phải sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật.

Riêng với doanh nghiệp, Quốc hội đã thông qua rất nhiều luật, nhiều nghị quyết, với tinh thần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có lãi, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Doanh nghiệp có vai trò lớn lắm, không có doanh nghiệp thì làm sao tạo ra được của cải vật chất cho xã hội.

Về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, Tổng Bí thư chỉ rõ: Đây là vấn đề nhức nhối, nước nào cũng có, giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng có, nhiều nước mất chính quyền, mất chế độ cũng vì tham nhũng.

Tham nhũng tức là ăn cắp của công, của nhà nước. Lợi ích nhóm là móc ngoặc với nhau để moi của nhà nước. Không phải bây giờ mới xảy ra, mà từ lâu rồi. Nhiệm kỳ nào Đảng ta cũng phải có nghị quyết về chống suy thoái, chống ăn cắp của công, lãng phí…

Bây giờ, tình hình rất nghiêm trọng, kinh tế thị trường cạnh tranh lẫn nhau, "xin-cho" thì phải quà cáp biếu xén, sinh ra tệ tham nhũng, móc ngoặc, lợi ích nhóm...

Tổng Bí thư khẳng định Đảng ta đang quyết tâm làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là một cuộc chiến đấu cam go, rất gian khổ, nhưng không thể không làm, phải làm đi làm lại, làm kiên trì, kiên quyết… Đảng, Nhà nước không tha thứ. Đường lối chính sách quang minh chính đại, dứt khoát phải đấu tranh bằng nhiều biện pháp bằng luật pháp, chính sách, bằng giám sát của nhân dân, của công luận, báo chí, xử lý kỷ luật trong nội bộ…

Liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh và cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhiều ý kiến cho rằng xử lý như vậy còn nhẹ…

Tổng Bí thư nêu rõ đây mới là kỷ luật về Đảng, kỷ luật về công tác cán bộ, đã nói đến con số thất thoát 3.200 tỷ đồng đâu, còn phải điều tra, qua nhiều khâu khác nữa. Đảng mới kỷ luật như thế và yêu cầu Nhà nước phải có kỷ luật về mặt hành chính. Quốc hội đang làm, Chính phủ đang làm. Vấn đề bây giờ là phải có quy định về mặt luật pháp, để xử lý những trường hợp tương tự như vụ việc ông Vũ Huy Hoàng. Tinh thần là có công sẽ thưởng công, có tội phải xử tội, tội đến đâu xử đến đấy, chứ không phải cứ xử nặng mới là nghiêm. Xử đúng mới là nghiêm, không xử oan, phải tâm phục, khẩu phục thế mới là tốt và phải rất nhân văn.

Đồng tình với đa số ý kiến cử tri cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng phải được thực hiện đến nơi đến chốn, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải làm đi làm lại, như đánh răng rửa mặt hàng ngày, một lần không xong được đâu, làm xong cái này nó đẻ ra cái khác. Cho nên phải rất bình tĩnh. Trung ương nhiều lần nói là phải kiên quyết và kiên trì, kiên trì và kiên quyết thì mới được, bằng những biện pháp đúng. Có những việc không chờ phải phổ biến Nghị quyết. Vừa qua, một loạt quy định của Trung ương được hoan nghênh: Về khai tuổi thế nào để chống chạy tuổi, chạy luân chuyển…; quy định cấm chè chén, quà cáp, biếu xén… đều đã có trong Nghị quyết Trung ương 4. Cho nên phải hành động, làm không đến nơi đến chốn, dân không yên lòng. Vừa rồi dư luận nhân dân, báo chí, đại biểu Quốc hội là rất quan trọng, góp phần vào cuộc đấu tranh chung. Các cơ quan pháp luật cũng phải vào cuộc, phải đồng lòng nhất trí, làm một cách có hệ thống.”

Nhân dịp tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niệm tại khu di tích thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục