Chuẩn bị Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, ngày 3/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, để thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri tập trung đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, đồng thời thiết thân đối với đời sống của nhân dân, như: Công tác xây dựng luật pháp; giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn; cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chế độ tiền lương, việc thu hút cán bộ có trình độ, năng lực về công tác tại xã, phường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân...
Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều văn bản luật, nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp 2013. Cử tri đề nghị, việc xây dựng các văn bản luật phải bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, sâu sát hơn với thực tế cuộc sống, tránh tình trạng “lách luật”, lợi dụng “kẽ hở” của luật. Quá trình xây dựng luật phải chuẩn bị kỹ hơn, đồng thời tăng cường công tác giám sát, cải tiến công tác chất vấn, tiếp tục rút ngắn hơn thời gian kỳ họp...
Nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhưng cần xem xét lại quy trình điều tra, truy tố, xét xử, tránh tình trạng đưa ra xét xử rồi lại phải dừng phiên tòa để điều tra bổ sung, hoặc do vắng mặt bị cáo; đơn vị, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cử người không đủ thẩm quyền tham dự phiên tòa... làm mất đi sự trang nghiêm của phiên tòa, sự tôn nghiêm của pháp luật.
Cử tri hoan nghênh Trung ương vừa qua đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo - một vấn đề quan trọng, có tầm ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của đất nước, sự phát triển cường thịnh của dân tộc. Tuy nhiên cử tri cho rằng, đổi mới giáo dục, đào tạo trước hết phải bắt đầu từ những vấn đề cốt lõi, từ mục tiêu của giáo dục, đào tạo, từ đó mới xây dựng chương trình, đổi mới sách giáo khoa, thi cử... tránh tình trạng đổi mới từ nóc.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, cử tri đề nghị cần rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...; đồng thời nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, đề xuất của cử tri để phản ánh trước Quốc hội và cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội xem xét giải quyết trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian qua Quốc hội đã có nhiều cố gắng cải tiến, đổi mới hoạt động theo hướng tăng cường công khai, dân chủ, thể hiện Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, toàn dân góp ý kiến, toàn dân làm việc nước.
Tuy nhiên, dư địa đổi mới của Quốc hội còn nhiều, thực tiễn cuộc sống vận động rất nhanh đòi hỏi Quốc hội phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quốc hội còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua, tinh thần của Hiến pháp phải được cụ thể hóa thành luật để sớm đi vào thực tế cuộc sống.
Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri về sự cần thiết đổi mới, cải tiến công tác xây dựng pháp luật, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu về số lượng, vừa bảo đảm chất lượng, để luật sau khi ban hành, sớm đi vào thực tế cuộc sống.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ với cử tri, cần tăng cường công tác giám sát tối cao, bảo đảm thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn, việc này cử tri đã nêu nhiều lần, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
Trước sự băn khoăn, lo ngại của cử tri về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng lãng phí là vấn đề lớn, rất nhức nhối, bức xúc. Lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lãng phí về thời gian, sức lao động, tiền bạc, vật chất, tài nguyên khoáng sản... Trung ương đã chỉ đạo, có nghị quyết, Quốc hội cũng đã có luật, đang được cụ thể hóa, rồi một loạt quy định của Trung ương về rất nhiều việc cụ thể... nhằm tăng cường phòng chống lãng phí.
Vừa rồi, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có bước chuyển biến, nhưng cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Có ý kiến cho rằng, phòng là chính, nhưng khi đã xảy ra rồi thì xử nghiêm cũng là biện pháp để phòng tốt nhất, xử nghiêm để răn đe, ngăn ngừa - Tổng Bí thư chỉ rõ.
Trao đổi về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, Tổng Bí thư khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn cần phải làm, là bước cụ thể trong thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, là biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa để cán bộ làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, qua thực tế có một số việc cần tổng kết, rút kinh nghiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tốt hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về một số vấn đề xã hội cấp bách mà cử tri nêu, Tổng Bí thư khẳng định Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, đặc biệt ở miền núi, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng... nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư mong muốn cử tri tiếp tục đóng góp ý kiến, giúp các đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời tăng cường hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, tạo sự đồng thuận giữa cử tri và đại biểu Quốc hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân./.