Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tấm gương của những người làm báo nước nhà

Theo nhận định của nhiều nhà báo lão thành, sự sắc bén, nghiêm cẩn, bền bỉ trong công tác báo chí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều bài học cho những người làm báo Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm phòng truyền dẫn, phát sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội (Hà Nội, 29/1/2009). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định rằng báo chí là một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng,” “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận đồng thời là công cụ tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Kể từ năm 1967, nhận nhiệm vụ công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết rất nhiều tác phẩm báo chí quan trọng. Gần đây nhất, Tổng Bí thư có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2024).

30 năm tận tụy làm báo

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khẳng định rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một chính trị gia, nhà lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mà còn là một nhà báo có nhiều năm gắn bó với nghề, trưởng thành từ làm báo và là tấm gương sáng của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại.

Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận bức trướng kỷ niệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Tạp chí tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Tạp chí Lý luận của Đảng ra số đầu tiên và 40 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu kỳ (15/12/1930-15/12/1995). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Theo ông Hà Huy Phượng, với 30 năm (từ 1967 đến 1997) gắn bó với nghề báo ở Tạp chí Học tập (sau này là Tạp chí Cộng sản), cơ quan lý luận và chính trị hàng đầu của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phú Trọng được đồng nghiệp quý trọng.

Sự nghiệp báo chí của ông gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ông có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, với những bình luận sắc bén, đăng tải trên Tạp chí Cộng sản và các tờ báo khác.

“Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc và đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề,” ông Hà Huy Phượng nói.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng khi ở Tạp chí Cộng sản từng nhấn mạnh rằng nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận, chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng.

Có 30 năm làm báo nhưng trong cuộc họp báo quốc tế thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay mình chỉ “mon men” làm quen với phương pháp làm việc của nghề báo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn báo chí sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của mỗi người dân đất Việt.

“Không chỉ là một nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhân cách mẫu mực trong gia đình, cơ quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà báo xuất sắc. 30 năm cuộc đời trai trẻ của Tổng Bí thư đều dành cho nghề báo. Ông là một nhà báo chân chính, là tấm gương sáng để các nhà báo của nền báo chí cách mạng của chúng ta noi theo,” ông Hà Huy Phượng nhận định.

Cùng chung cảm nhận về Tổng Bí thư, nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng trước hết, ở Tổng Bí thư có sự tiếp nối, phát triển của Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, Tổng Bí thư là một nhà lý luận. Thứ ba, Tổng Bí thư là một nhà báo, người đã dành tuổi thanh xuân để làm báo. Sau này, Tổng Bí thư vẫn là người cộng tác rất đắc lực đối với toàn bộ hệ thống báo chí cách mạng. Tổng Bí thư còn dành những tác phẩm báo chí đặc biệt vào những dịp trọng sự quốc gia, dịp đón Xuân mới, gửi thông điệp đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

“Tổng Bí thư là một nhà văn hóa, có sự tiếp nối, phát triển đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của các bậc tiền bối, từ Tổng Bí thư Trần Phú. Đặc biệt, Tổng Bí thư thật sự xứng đáng là người dẫn dắt, là người hội tụ khát vọng, tâm tư và hành động của nhân dân. Cuối cùng, Tổng Bí thư là một nhân cách mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày,” ông Nhị Lê chia sẻ.

Tiếp thêm động lực cho người làm báo

Ông Nguyễn Văn Thúy, nguyên Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội có may mắn được tham gia tuyên truyền hoạt động của Quốc hội cả hai nhiệm kỳ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII. Ông Thúy cùng các đồng nghiệp được tiếp nhận nhiều câu chuyện ấn tượng, học hỏi được nhiều điều bổ ích của một người đã từng làm báo chuyên nghiệp, từng trưởng thành từ phóng viên, biên tập viên cho đến Tổng biên tập.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Phú Trọng nhấn nút khai trương mạng thông tin của Thông tấn xã Việt Nam hòa mạng Internet ngày 19/8/1998). (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ông Thúy còn nhớ buổi gặp gỡ ngày 20/6/2010, sau khi Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đến thăm anh chị em làm công tác báo chí. Mọi người đứng dậy vỗ tay chào đón nhưng Chủ tịch Quốc hội không bước lên bàn chủ tọa, mà đi thẳng xuống phía dưới hội trường, chỗ ngồi của anh chị em phóng viên trẻ. Chủ tịch Quốc hội bắt tay, thăm hỏi thân thiện từng người.

Theo ông Thúy, Chủ tịch Quốc hội hiểu tường tận công việc hàng ngày của phóng viên, biên tập viên; chia sẻ với những khó khăn của từng tòa soạn, nắm rõ từng bài viết, trang báo, số báo đã xuất bản.

Nói chuyện với các nhà báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Báo chí là người thầy, người bạn” và cũng nhắc nhở các phóng viên theo dõi Quốc hội: “Với tính chất của Quốc hội, yêu cầu đòi hỏi của Quốc hội thì báo chí chúng ta làm thế nào là phù hợp với chức năng báo chí và làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng đổi mới các hoạt động báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí viết về Quốc hội.”

Tại buổi gặp gỡ thân tình ấy, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã truyền lửa cho những người làm báo cách mạng Việt Nam: “Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc/ Thênh thang đường lớn, vượt lên nào.”

Trong tâm trí những người làm báo cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cần mẫn, tâm huyết với nghề báo và luôn đặt niềm tin vào sự trưởng thành của báo chí nước nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục