Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lãnh đạo đại diện cho hình tượng cây tre Việt Nam

Tác giả Hàn Quốc cho biết sẽ bay sang Việt Nam với mong muốn được trực tiếp vào viếng Tổng Bí thư, và “tôi vẫn sẽ đi” ngay cả nếu như chỉ được viếng vọng Tổng Bí thư dưới bầu trời Hà Nội.
Ông Cho Chul-hyeon, tác giả cuốn sách mang tên “Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng,” bày tỏ tiếc thương trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

“Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng” được xuất bản tại Hàn Quốc trung tuần tháng 5/2024 là cuốn sách đầu tiên trên thế giới viết riêng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong lúc cuốn sách đang được Nhà Xuất bản Thông tấn biên soạn và chuẩn bị ra mắt bản tiếng Việt tại Việt Nam, tác giả Cho Chul Hyeon không khỏi bàng hoàng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Từng trò chuyện với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul khi cuốn sách vừa ra mắt tại Hàn Quốc, lần gặp lại này, tác giả Cho Chul Hyeon trải lòng những tâm sự vô cùng xúc động về nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người viết cuốn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khi cuốn sách đang chuẩn bị được xuất bản tại Việt Nam, tác giả Cho Chul Hyeon bày tỏ tin Tổng Bí thư đã ra đi “thật sự rất buồn!... không gì đáng tiếc hơn.”

Ông cho biết sẽ bay sang Hà Nội với mong muốn được trực tiếp vào viếng Tổng Bí thư, và “tôi vẫn sẽ đi” ngay cả nếu như chỉ được viếng vọng Tổng Bí thư dưới bầu trời Hà Nội, nơi ông đã trút hơi thở cuối cùng. Ông Cho Chul Hyeon cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến nhân dân Việt Nam.

Đánh giá về vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ông Cho Chul Hyeon nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả đời phấn đấu vì sự thịnh vượng của đất nước, vì ước muốn tôn vinh vị thế của người dân, dân tộc Việt Nam.

Kể từ khi gia nhập Đảng tháng 12/1967, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đề tài luận văn Tiến sỹ mà Tổng Bí thư làm tại Liên Xô trước đây là “Nghiên cứu về đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tăng cường mối quan hệ với nhân dân.”

Bút danh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên sử dụng khi công tác tại Tạp chí Cộng sản những năm 1970 là “Người xây dựng Đảng.”

Theo tác giả Cho Chul Hyeon, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã không ngừng suy nghĩ và tìm biện pháp để Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một đảng gắn với dân, gần gũi với người dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự trở thành một nhà tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản với lý luận uyên thâm.

Ông đã triển khai lý luận về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội một cách dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và rất nhân văn. Tác giả Cho Chul Hyeon cho rằng đây là một thành tựu to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một thành tựu khác ghi dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công cuộc bài trừ tham nhũng. Tác giả Cho Chul Hyeon đánh giá điều này phù hợp với đề án xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

Nỗ lực này được thực hiện với nhận thức kiên định và mạnh mẽ rằng việc làm liêm chính trong Đảng, giữ gìn đạo đức bắt đầu từ các đảng viên mới có thể xây dựng được một đảng chính trị mạnh, đủ sức thu hút, lãnh đạo đất nước.

Với tư cách người đứng đầu, Tổng Bí thư đã nỗ lực và thực hiện mạnh mẽ việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua quảng bá hình ảnh một Việt Nam minh bạch và duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao suốt nhiều năm qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được thế giới đánh giá cao với chiến dịch “đốt lò,” một trong những mấu chốt của chính sách đổi mới ở Việt Nam.

Cùng với đó, đường lối ngoại giao cây tre do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng cũng đang nhận được sự đánh giá rất cao trên trường quốc tế vì cách thức Việt Nam triển khai chính sách ngoại giao hiệu quả với cả ba cường quốc là Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, và mới đây nhất là Tổng thống Nga đều đã đến thăm Việt Nam trong vòng một năm qua và thực hiện các hoạt động ngoại giao cấp cao nhất, thu hút sự quan tâm lớn của thế giới.

Thông qua các sự kiện ngoại giao quan trọng này, nhiều kết quả hợp tác tích cực đã đạt được, nâng cao uy tín cũng như vị thế quốc gia của Việt Nam.

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống cho người dân, Tổng Bí thư đã kiên định đường lối mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường hội nhập.

Năm 2014, đúng 10 năm trước, khi còn là Chủ tịch Quốc hội, ông đã đến thăm Hàn Quốc và thiết lập nhiều nền tảng cho hợp tác song phương sau này.

Đặc biệt, ông đã đích thân đến thăm văn phòng Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong và khích lệ tinh thần cho vị chủ tịch trẻ này trong bối cảnh Samsung khi đó trải qua khoảng thời gian khó khăn.

Chính hành động này đã khiến toàn bộ Tập đoàn Samsung kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và đây có thể coi là ví dụ điển hình về sự nhạy cảm và tài ngoại giao kinh tế của ông.

Ông Cho Chul-hyeon bày tỏ tiếc thương trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

Tác giả Cho Chul Hyeon cho biết trong cuốn sách viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã tóm tắt các thành tựu của Tổng Bí thư bằng ba cụm từ “sỹ phu Bắc Hà,” “ngoại giao cây tre” và “người đốt lò” - những điều mà ông gọi là di sản to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

Theo tác giả Cho Chul Hyeon, không chỉ thế hệ trẻ của Việt Nam mà người dân trên thế giới có rất nhiều điều cần học hỏi từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông nhắc đến hai bài thơ được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích là “Tre Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy với câu: “Thân gầy guộc, lá mong manh; Mà sao nên lũy nên thành tre ơi;” và bài thơ “Việt Bắc” khắc họa hồn cốt của dân tộc Việt Nam qua hình tượng cây tre.

Ông Cho Chul Hyeon đánh giá hai bài thơ này là những tác phẩm phản ánh rõ nét khí chất trữ tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tư tưởng của Tổng Bí thư với tư cách là một nhà lý luận xã hội chủ nghĩa.

Tác giả Cho Chul Hyeon cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nhớ về hai bài thơ này và Tổng Bí thư chính là đại diện cho hình tượng cây tre Việt Nam với rễ chắc, thân khỏe, cành mềm.

Đây chính là lý luận mà Tổng Bí thư đã đúc kết trong phương châm ngoại giao của mình, theo đó, Việt Nam sẽ tiếp thu có chọn lọc văn minh tiến bộ của thế giới trên nền tảng kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc.

Tác giả Cho Chul Hyeon bày tỏ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống trọn vẹn một cuộc đời có gốc rễ vững chắc, tức là niềm tin vào hồn cốt và ý niệm mà bản thân đã theo đuổi; thân mềm, lá mỏng thể hiện sự linh hoạt, uyển chuyển trong biện pháp triển khai và mang lại nhiều thành tựu rực rỡ cho đất nước, lợi ích thiết thực lâu dài cho người dân Việt Nam.

Ông Cho Chul Hyeon nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận uyên thâm, dẫn dắt người dân bằng trí tuệ và tinh thần nhân văn cao, thông qua đó nâng văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới.

Ông cho rằng các thế hệ trẻ Việt Nam nếu có trình độ, lòng tự tôn và học hỏi được tinh thần nhân văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ luôn có thể tự tin giao tiếp với thế giới bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục