Thực hiện chuyến công tác tại tỉnh Sơn La, nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm nay, sáng 8/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.
Chiềng Ban là xã có vị trí thuận lợi cho giao thương, tiếp giáp thành phố Sơn La, địa hình bằng phẳng lại có Quốc lộ 4G chạy qua, điều kiện khí hậu, đất đai rộng lớn, phù hợp với phát triển cây càphê. Đảng bộ xã luôn quan tâm chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, với định hướng trồng cây càphê gắn với phát triển kinh tế hộ.
Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bà con các dân tộc trong xã đã đoàn kết phấn đấu, cần cù lao động, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu , nhiệm vụ đã đề ra. Sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1.600 tấn; trong đó hơn 1.000 tấn thóc; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm.
Sau khi tìm hiểu tình hình sản xuất và đời sống của bà con các dân tộc địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Chiềng Ban đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả cao, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Tổng Bí thư đánh giá cao kết quả mà Chiềng Ban đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Là 1 trong 55 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La, xã Chiềng Ban đã sớm hoàn thành quy hoạch, huy động được sức dân tham gia xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi, với phương châm nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ. Đảng ủy xã đã mạnh dạn quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lựa chọn giốn g cây trồng phù hợp với địa hình và đất đai trên địa bàn xã, nhất là cây càphê cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, sản lượng càphê đạt từ 100.000 đến 140.000 tấn quả tươi/năm, cho thu nhập gấp 3,2 lần so với các cây trồng khác.
Về hướng sắp tới, Tổng Bí thư mong rằng, Chiềng Ban tiếp tục nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, hiệu quả cây càphê, quan tâm đầu tư chế biến tại chỗ, xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà mở rộng xuất khẩu.
Tổng Bí thư mong Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, không ngừng phát huy tiềm năng lợi thế, đoàn kết phấn đấu, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân.
Tại xã Chiềng Ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng quà một số gia đình chính sách; thăm, tặng quà gia đình anh Lò Văn Khoa ở bản Huổi Khoang và anh Đặng Đình Thị ở bản Hoa Mai là những hộ tiêu biểu về phát triển cây càphê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp đó, Tổng Bí thư và đoàn công tác đã đến thăm thầy và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Sơn La.
Sau khi nghe báo cáo thành tích giảng dạy và học tập của trường, Tổng Bí thư mong muốn tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống 50 năm xây dựng, trưởng thành, khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt và học tốt, xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát tri ển của địa phương.
Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ nhà tù Sơn La; thăm di tích nhà tù Sơn La, một chứng tích lịch sử về tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc đã giam cầm, đầy ải các chiến sỹ cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đô hộ.
Tổng Bí thư mong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn đầu tư, giữ gìn, tôn tạo khu di tích quý giá này để giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng và ghi nhớ công ơn to lớn đối với các chiến sỹ cộng sản Việt Nam, những người đã chiến đấu hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc tại Công ty thủy điện Sơn La. Tại đây, Tổng Bí thư đã gặp mặt cán bộ, công nhân viên Nhà máy, trồng cây lưu niệm và tham quan mô hình nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện.
Công trình thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, được đầu tư xây dựng theo chủ trương của Quốc hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội. Công trình được khởi công xây dựng năm 2005, phát điện tổ máy số 1 tháng 12/2010 và hoàn thành tháng 12/2012 (sớm ba năm so với kế hoạch). Sau ba năm đi vào vận hành, nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, đã sản xuất được 21,3 tỷ kWh, nộp ngân sách gần 2.570 tỷ đồng.
Bày tỏ vui mừng trở lại thăm công trình thủy điện Sơn La, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân viên Nhà máy, đã làm việc hết mình để công trình hoàn thành, đi vào sử dụng sớm ba năm so với kế hoạch đề ra, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của cho đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của công trình thủy điện Sơn La, không chỉ cung cấp nguồn điện năng lớn cho đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn tham gia phân lũ, phòng chống hạn cho hạ du, không chỉ cho trước mắt mà còn cho lâu dài. Công trình do Việt Nam tự thiết kế, thi công, là niềm tự hào của ngành điện lực, giai cấp công nhân Việt Nam.
Tổng Bí thư lưu ý Đảng bộ, chính quyền các cấp cần quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống của hơn 20 vạn đồng bào các dân tộc, đã chấp nhận di dời đến nơi ở mới để có mặt bằng xây dựng công trình, góp phần mang lại nguồn điện năng lớn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư mong muốn tập thể cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân viên Công ty thủy điện Sơn La tiếp tục phát huy kinh nghiệm, thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, tiếp tục khẳng định uy tín, vai trò quan trọng của thủy điện Sơn La, giúp đỡ xây dựng, vận hành an toàn, hiệu quả các công trình thủy điện khác của đất nước.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm Đội cao su Phiêng Tìn, xã Ít Ong, huyện Mường La, tìm hiểu tình hình thực hiện dự án 10.000ha cao su trên địa bàn tỉnh; việc nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hợp tác với Công ty cổ phần cao su Sơn La trồng và kinh doanh cao su, trở thành cổ đông hưởng cổ tức.
Góp vốn bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất vào Công ty là một phương thức hợp tác mới, vừa tích tụ được ruộng đất để tiến hành cơ giới hóa, sản xuất hàng hóa lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng suất lao động, phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với nguyện vọng của nông dân, đưa đất vào canh tác ổn định, lâu dài, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Qua thử nghiệm thực hiện chương trình phát triển cây cao su của tỉnh Sơn La cho thấy kết quả nhất định, vì vậy đa số bà con đồng tình ủng hộ./.