Tổng Bí thư Lê Duẩn - người chiến sỹ cộng sản kiên trung

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức tọa đàm khoa học: "Đồng chí Lê Duẩn - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam."
Các đại biểu chủ trì tọa đàm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2022), chiều 6/4, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm khoa học: "Đồng chí Lê Duẩn - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam."

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tọa đàm là dịp tưởng nhớ, tri ân cuộc đời hoạt động cách mạng, những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

[Tổng Bí thư Lê Duẩn - người con ưu tú của quê hương Quảng Trị]

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, đồng chí Lê Duẩn tên khai sinh là Lê Văn Nhuận, sinh ra trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông (nay thuộc xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng.

Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng, đồng chí đã trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân tin cậy, giao đảm nhận nhiều cương vị, trọng trách: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1937-1939); Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ (1946-1947); Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1947-1951); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951-1954); Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960-1976), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1976-1986).

Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và tài năng của người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Với 79 năm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, trải qua nhiều cương vị công tác trên nhiều địa bàn của đất nước, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp rất to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần củng cố tình đoàn kết với các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Tham luận về ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến tư tưởng cứu nước của đồng chí Lê Duẩn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, đánh giá chính truyền thống của quê hương, gia đình đã hình thành nên tư tưởng cứu nước của đồng chí Lê Duẩn. Tỉnh Quảng Trị, nơi trong lịch sử tồn tại và phát triển từng được coi là trọng trấn của biên giới, có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Trong điều kiện như vậy, con người Quảng Trị đã hình thành những truyền thống tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người, cùng với đó là sự cần cù, chịu khó, không khuất phục trước khó khăn, gian khổ...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, trình bày tham luận. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sinh ra tại Triệu Phong, Quảng Trị trong gia đình dòng họ Lê Văn có truyền thống yêu nước, hiếu học, nhiều người đỗ đạt. Các vị tiền nhân của dòng họ Lê Văn khi ra làm quan đều yêu nước thương dân. Thân phụ của đồng chí Lê Duẩn là ông Lê Văn Hiệp là một khóa sinh, thân mẫu là bà Võ Thị Đạo cũng là một phụ nữ phúc hậu, hay giúp đỡ người nghèo.

Truyền thống của quê hương, gia đình trên mảnh đất Quảng Trị cùng việc chứng kiến nỗi thống khổ của người dân mất nước, trực tiếp chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Trị đã ảnh hưởng trực tiếp đến đồng chí Lê Duẩn bước đầu hình thành lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc, từ đó hình thành tư tưởng cứu nước và sớm giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào yêu nước.

Từ đó, đồng chí đã gắn bó, hiến dâng cả cuộc đời cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, học giả đã thảo luận, làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc thông qua nhiều tham luận như: quá trình đồng chí Lê Duẩn từ người yêu nước trở thành người cộng sản; Những hoạt động và cống hiến của đồng chí Lê Duẩn thời kỳ dựng Đảng; Đồng chí Lê Duẩn - người cộng sản kiên trung trong nhà tù thực dân; Lê Duẩn - người cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục