Phó Tổng thống Sudan Ali Osman Mohammed Taha xác nhận 10 tổ chức cứu trợ quốc tế đã nhận được yêu cầu ngừng hoạt động vì "vi phạm luật pháp và quy định" của Nhà nước Sudan.
Trong số những tổ chức này có Oxfam, Care, Mercy Corps, Save the Children, Uỷ ban cứu trợ quốc tế, Solidarites, Action Contre la Faim.
Ngoài ra, còn có thêm 2 tổ chức cứu trợ trong nước là Trung tâm Khartoum về Quyền con người và Phát triển môi trường và Trung tâm Khartoum Aman về Phục hồi cho các nạn nhân của bạo lực cũng bị yêu cầu ngừng hoạt động với cáo buộc "cộng tác với ICC".
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chỉ trích quyết định trên của Sudan, coi đây là sự cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở khu vực Dafur và kêu gọi Chính phủ Sudan nhanh chóng thu hồi quyết định này.
Phản đối lệnh trục xuất của Khartoum, các tổ chức cứu trợ quốc tế cho rằng họ "đang bị kéo vào một vòng xoáy chính trị và toà án" và điều này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng đối với 2,7 triệu người dân Sudan đang chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh ở khu vực Dafur, đồng thời cản trở các hoạt động tái thiết ở khu vực này sau hai thập kỷ nội chiến.
Trong động thái khác, Thứ trưởng Ngoại giao Sudan Ali Ahmed Karti ngày 4/3 tuyên bố quyết định của ICC không có hiệu lực đối với Tổng thống Bashir. Ông Bashir sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của mình cũng như sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Arập, tổ chức tại Doha (thủ đô của Quatar) trong hai ngày 29-30/3.
Ông Karti nhấn mạnh: "Chính phủ Sudan kiên quyết bác bỏ quyết định của ICC vì Sudan không phải là thành viên của toà án này và ICC không có quyền ra phán quyết về Sudan"./.
(TTXVN/Vietnam+)