Ngày 28/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 11. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về kết quả xử lý các vụ việc, vụ án Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, trọng tâm là tiến độ, kết quả xử lý các vụ án, vụ việc theo Thông báo kết luận số 11-TB/BCĐTW và Thông báo kết luận số 30-TB/BCĐTW của Thường trực Ban Chỉ đạo; kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương; kết quả kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; tình hình, kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2016 của Ban Chỉ đạo và chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo.
Xử lý nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá năm 2016, với quyết tâm cao và sự tập trung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo mà trực tiếp là sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp có chuyển biến rõ rệt.
Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, vừa chỉ đạo định hướng chủ trương xử lý, vừa chỉ đạo cụ thể từng nội dung vụ việc, gắn với trách nhiệm của cơ quan chức năng và người có thẩm quyền; với chủ trương “tài liệu đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra, xử lý tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng.”
Đồng thời, Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế... Nhờ vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.
Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, như vụ án Phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Lê Dũng, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại).
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã truy tố, xét xử sơ thẩm 8 vụ với 121 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ với 55 bị cáo.
Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, đã truy tố, xét xử sơ thẩm 3 vụ với 10 bị cáo, xét xử phúc thẩm 2 vụ với 3 bị cáo.
Sau ba năm, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương đến nay, trong tổng số 40 vụ án, bảy vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 vụ với 330 bị can; đã truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ với 247 bị cáo, xét xử phúc thẩm 14 vụ với 137 bị cáo.
Trong số 29 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 vụ với 93 bị can, đã truy tố xét xử sơ thẩm 18 vụ với 68 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ với 24 bị cáo, mức án rất nghiêm khắc, qua đó cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phục vụ phòng chống tham nhũng được tăng cường. Ban Chỉ đạo đã thành lập bảy đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh; qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án.
Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp kiểm tra chuyên đề phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực thuế, hải quan; qua kiểm tra đã đưa ra 11 nhóm kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tổ chức cán bộ, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, hải quan…; yêu cầu chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với 29 cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đến nay, 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; lựa chọn, đưa vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 436 vụ việc, vụ án.
Việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, các quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn được đẩy mạnh. Sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng với các cơ quan nhà nước nói chung, giữa cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra nói riêng được tăng cường, chặt chẽ, kịp thời hiệu quả hơn.
Phải hành động quyết liệt hơn nữa
Đồng tình với đa số ý kiến đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo về những kết quả đạt được trong năm qua, Tổng Bí thư nêu rõ sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, điểm thuận là có khí thế mới, đồng thuận cao, không khí làm việc khác trước nhưng yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cũng nặng nề hơn, tính chất công việc phức tạp hơn.
Trong bối cảnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng thực hiện các chương trình kế hoạch đề ra, với tinh thần làm việc quyết liệt và đã có chuyển biến tích cực trên thực tế. Ủy ban Kiểm tra, các ngành công an, thanh tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án, các cơ quan báo chí tuyên truyền và các cơ quan khác nữa đã vào cuộc khá mạnh mẽ, tương đối đồng bộ.
Đặc biệt, Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, trong điều kiện người ít, khối lượng công việc nhiều, những đã rất nỗ lực, quyết tâm , chủ động tham mưu, đề xuất, chuẩn bị chu đáo, phục vụ tốt các phiên họp Ban chỉ đạo, các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo; phối hợp với các cơ quan chức năng, đôn đốc xử lý hoặc tham mưu xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng...
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công; kiến nghị, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác phòng, chống tham nhũng.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Chỉ đạo còn một số tồn tại, hạn chế. Một số thành viên Ban Chỉ đạo dành thời gian chưa nhiều cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, nhất là trong kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng ở địa bàn được phân công theo dõi, chỉ đạo.
Việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm vẫn còn kéo dài, số vụ còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu, mong đợi của nhân dân.
Một số vụ án tham nhũng-kinh tế chuyển hóa lẫn nhau, khó tách bạch, nhất là khi làm kinh tế với động cơ vụ lợi, lợi ích nhóm. Do vậy, phải căn cứ vào bản chất sự việc để kết luận. Không tham ô, tham nhũng thì tiền đâu mà lắm thế, xây nhà xây cửa, chạy ra nước ngoài như thế? Căn cứ vào luật là đương nhiên, nhưng đừng khô cứng quá vào câu chữ trong luật. Luật pháp không phải là các khuôn cứng. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luật pháp là tối thượng, nhưng có những cái luật pháp chưa đủ, ta còn phải điều chỉnh.
Bên cạnh đó, khâu điều tra giám định vẫn còn chậm; việc thu hồi tài sản mặc dù có tiến bộ nhưng còn ít. Phát hiện tham nhũng, tiêu cực từ nội bộ còn ít, phần nhiều là do tố cáo, công luận, báo chí; Trung ương làm mạnh nhưng cơ sở, địa phương làm ít, chuyển động chưa rõ; khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, phát hiện còn ít. Sự phối hợp giữa các cơ quan nói chung là tiến bộ, nhưng còn chưa chặt chẽ; khen thưởng, kỷ luật chưa kịp thời, chưa được chú ý đúng mức. Nơi nào làm chậm phải kiểm điểm trách nhiệm, nếu không thì hòa cả làng cũng không tốt.
Nhất trí với bảy nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2017 và 12 nhiệm vụ cụ thể, việc phân công các cán bộ phụ trách, Tổng Bí thư nhấn mạnh trong thời gian tới, muốn làm tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa và hành động quyết liệt hơn nữa.
Tổng Bí thư nhấn mạnh phải chú ý thêm một số vụ án lớn, nghiêm trọng; đưa một số vụ án “đắp chiếu” vào diện Ban chỉ đạo chỉ đạo, kiên quyết xử lý; chú ý thêm ở địa phương, cơ sở, các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, thuế và hải quan, khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài; hạn chế tối đa tình trạng bỏ trốn, bỏ chạy, tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng./.