Tôn vinh tập thể, cá nhân có đóng góp cho tình hữu nghị Việt-Pháp

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã tôn vinh nhiều tập thể, cá nhân người Pháp và kiều bào có những đóng góp nổi bật cho tình hữu nghị Việt-Pháp.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các tập thể và cá nhân được tôn vinh. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Tại buổi lễ tổ chức ở Paris ngày 25/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã tôn vinh nhiều tập thể, cá nhân người Pháp và kiều bào có những đóng góp nổi bật cho tình hữu nghị Việt-Pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam.

Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã chân thành cảm ơn đồng thời ca ngợi những đóng góp không mệt mỏi của các tập thể và cá nhân được tôn vinh, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Pháp. Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn rằng các tập thể và cá nhân được tôn vinh tiếp tục các hoạt động có ý nghĩa trong thời gian tới.

Tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã trao Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Hội Touraine-Vietnam; nhà báo, nhà làm phim Daniel Roussel; Chủ tịch Hội nhân đạo trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số và nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam (ACOTEC), ông Alain Dussarps.

Trong nhiều năm qua, Hội Touraine-Vietnam tập hợp những người Pháp yêu mến Việt Nam tại thành phố Tours, miền Trung nước Pháp, đã tích cực thể hiện vai trò mà cầu nối văn hóa thông qua các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam, tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận về Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam.

Ngoài ra, Hội cũng tăng cường các hoạt động đoàn kết với Việt Nam bằng việc giúp đỡ các sinh viên Việt Nam sang học tập tại thành phố Tours và vùng lân cận, tìm hiểu về văn hóa Pháp và hòa nhập với môi trường văn hóa và ngôn ngữ mới.

Ông Jean-Jacques Rousselle, Chủ tịch Hội Touraine-Vietnam bày tỏ mong muốn được là cây cầu nối dòng sông Loire của quê hương ông với các dòng sông Hồng và sông Mê Công của Việt Nam, đồng thời kết nối tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam.

Nhà báo Daniel Roussel là người đã công tác 6 năm tại Việt Nam với tư cách là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo. Với tình cảm yêu mến đất nước Việt Nam và sự ngưỡng mộ đối với lòng quả cảm của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã viết kịch bản và làm đạo diễn cho các bộ phim như "Thức lâu mới biết đêm dài", "Cuộc chiến giữa Hổ và Voi" (về Đại tướng Võ Nguyên Giáp), "Cuộc chiến tranh Việt Nam-Trọng tâm của các cuộc đàm phán bí mật", về các cuộc đàm phán bí mật, cuộc đấu trí căng thẳng từ năm 1968 đến năm 1973 giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger…

Ông Alain Dussarps, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Chủ tịch Hội ACOTEC đã tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu và quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam tại Pháp. Từ năm 1991 đến nay, ông đã tập hơn và công bố 50.000 bức ảnh về đồng bào thiểu số. Là Chủ tịch ACOTEC, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ các nạn nhân da cam của Việt Nam.

Nhân dịp này, Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp thể thao Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng được trao cho các cá nhân là các ông Trương Anh Tuấn, Philippe Bertec, Chistophe Dalmaz, Stéphane Lesoil và bà Trương Thủy Tiên, người phụ nữ duy nhất dạy Việt Võ Đạo tại Pháp. Đây là những người đã dành nhiều tâm huyết để kế tục, phát triển và truyền bá những tinh hoa của võ thuật cổ truyền Việt Nam trên đất Pháp.

Thay mặt các tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương, đạo diễn Daniel Roussel đã bày tỏ sự xúc động và niềm vinh dự được tôn vinh. Ông cho biết đất nước Việt Nam đã trở nên rất gần gũi, thân thương như quê hương thứ hai của mình. Mỗi khi nhắc đến Việt Nam, ông lại nhớ tới những kỷ niệm khó quên ở đất nước từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đối với ông, chính tinh thần bất khuất và khát khao được sống trong hòa bình của người Việt Nam là động lực để ông thực hiện những bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Trương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Vovinam cho biết, ông luôn ao ước được truyền bá môn võ Vovinam nói riêng và võ thuật của Việt Nam nói chung cho những người Việt ở Pháp và những người dân bản xứ hâm mộ môn võ thuật cổ truyền Việt Nam trên đất Pháp.

Cùng với việc dạy võ, Võ sư Trương Anh Tuấn còn nỗ lực giới thiệu về văn hóa, đất nước Việt Nam tới người dân Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục