Bốn tháng đã trôi qua sau ngày mất của cụ Phan Thị Gái, dường như những thành viên trong cả gia đình cụ đã bớt nỗi đau, nhưng trên hết là, họ cảm thấy luôn tự hào về nghĩa cử cao đẹp của người mẹ, người bà, người cụ trong gia đình đã tự nguyện hiến giác mạc sau khi mất.
Giữa cái nắng chói chang đầu Hạ, chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp của người mẹ chồng của mình, bà Nguyễn Thị Gắn (67 tuổi) ở thôn Nguyệt Lâm 3, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho hay, năm ngoái, bà có về Bệnh viện Mắt Trung ương để mổ mắt.
Khi đó, trước tình cảnh của rất nhiều người bệnh bị mù lòa và đang phải nằm chờ có nguồn hiến giác mạc rất khó khăn, bà và con trai đã về và vận động người nhà thực hiện nghĩa cử cao đẹp hiến giác mạc sau khi mất.
Vào ngày 22/1/2014, được sự đồng thuận và nhất trí của người thân trong gia đình và theo ý nguyện của cụ Phan Thị Gái, trú tại thôn Nguyệt Lâm 3, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận 2 giác mạc của cụ Gái hiến tặng sau khi cụ qua đời.
Ngay sau đó, hai giác mạc của cụ Phan Thị Gái đã được các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương ghép thành công cho hai người bệnh bị mù do bệnh giác mạc.
Trước nghĩa cử cao đẹp trên của cụ Gái và toàn thể gia đình, sáng 24/5, Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tổ chức buổi Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc và phát động cuộc vận động người dân hiến giác mạc tại xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, tiến sỹ Phạm Ngọc Đông - Giám đốc ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, trong 10 năm (từ 2002-2012) đã có 1.072 ca ghép giác mạc được tiến hành trên toàn quốc.
Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương là ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam. Sau một thời gian đi vào hoạt động theo Luật về hiến ghép các bộ phận cơ thể người và hiến xác. Cho đến nay, Ngân hàng Mắt đã thu nhận được 433 giác mạc từ 221 người hiến trong cả nước.
Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 30.000 người mù lòa cần ghép giác mạc.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng cho hay, những kỹ thuật về ghép giác mạc tại Việt Nam đã có đủ điều kiện như trang thiết bị, nhân viên y tế có tay nghề. Tuy nhiên, một khó khăn lớn nhất đối với những người mù lòa là thiếu nguồn giác mạc để ghép. Hiện nay, chưa có giác mạc nhân tạo, bởi vậy nguồn giác mạc duy nhất để những người mù lòa có thể nhìn lấy ánh sáng là nhờ vào nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng.
Vì vậy, ngành y tế phát động phong trào hiến tặng và tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người trong cả nước để ngày càng có nhiều hơn những người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo, cứu chữa người bệnh hoặc nghiên cứu y học.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Y tế đã quyết định tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp, trao tặng Kỷ niêm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ trưởng Bộ Y tế cho gia đình cụ Phan Thị Gái, (người thôn Nguyệt Lâm 3, xã Vũ Bình) và gia đình bà Nguyễn Thị Đằng (người thôn Kim Định, xã Quang Bình).
Đây là hai trường hợp đầu tiên của tỉnh Thái Bình tự nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời để cứu giúp những người không may bị mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra.
Cũng trong ngày hôm nay, Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện mắt tỉnh Thái Bình đã tổ chức khám chữa bệnh về mắt và cấp phát thuốc miễn phí cho 500 người dân./.
Tiến sỹ Phạm Ngọc Đông - Giám đốc ngân hàng mắt cho hay, việc thu nhận ghép mạc chỉ khi người tự nguyện hiến đã qua đời.
Giác mạc chỉ là một lớp màng mỏng nhỏ trong suốt. Người hiến khi qua đời sẽ được các bác sỹ lấy giác mạc mà không làm thay đổi khuôn mặt, mắt của người hiến.
Một người hiến giác mạc có thể đem lại ánh sáng cho hai người mù.