Tôn vinh giá trị tiếng Việt qua giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài

Trong những năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy nâng cao tri thức và tình yêu đối với tiếng Việt.
Bộ sách "Chào Tiếng Việt" do tác giả Nguyễn Thuỵ Anh biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chiều 20/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ “Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022” do Bộ Ngoại giao cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức toạ đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.”

Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt 8/9.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết ngày 3/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030.”

Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý là hàng năm tổ chức Ngày tôn vinh tiếng Việt (8/9) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt; tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam... 

[Kiều bào gắn kết tình yêu biển đảo quê hương trong các lớp tiếng Việt]

Trong những năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy nâng cao tri thức và tình yêu đối với tiếng Việt, văn học, văn hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng xuất bản, phát hành một số bộ sách dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài như "Tiếng Việt vui," "Quê Việt" và gần đây nhất là "Chào tiếng Việt." 

Ông Hoàng Lê Bách chia sẻ trong tương lai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) sẽ tiếp tục phối hợp triển khai chuỗi các hoạt động tập huấn, chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hóa Việt Nam tại các nước…

Bộ sách "Chào Tiếng Việt" gồm 6 cuốn, được chia theo các cấp độ: Cấp độ 1 - Ra khơi; Cấp độ 2 - Khám phá; Cấp độ 3 - Thử thách; Cấp độ 4 - Kết nối; Cấp độ 5 - Cống hiến; Cấp độ 6 - Trưởng thành. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Với những hoạt động này, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mong muốn góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt và là đơn vị cung cấp nguồn tài liệu hữu ích nhằm thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

Tại buổi toạ đàm, các giáo viên dạy tiếng Việt ở trong và ngoài nước đã cùng tác giả biên soạn sách trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.

Theo các chuyên gia, trong quá trình học tiếng Việt, giai đoạn đầu tiên là giai đoạn khó khăn nhất đối với người học ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ở những cấp độ đầu tiên, nếu người dạy quá chú trọng việc nhận mặt chữ, luyện âm, vần, ghép từ, tô chữ … mà không quan tâm tổ chức hoạt động sư phạm sẽ tạo tâm lý buồn chán cho người học ở lứa tuổi này. 

Tiến sỹ Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách “Chào tiếng Việt” cho rằng điều quan trọng nhất khi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài là cần khơi gợi sự hứng thú, tò mò và nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt của các em thông qua các hoạt động tương tác như trò chơi, lễ hội… Từ đó, các em sẽ tự muốn tìm hiểu, học và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp.

Giáo sư Nguyễn Như Ý cho rằng dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề rất phức tạp và hiện nay đang có tình trạng “loạn” phương pháp dạy.

Điều đáng lưu ý, từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ hướng đến việc dạy tiếng Việt để trẻ có thể giao tiếp được với ông, bà, người thân và giữ gìn được nền văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Như Ý nhấn mạnh việc dạy tiếng Việt còn phải hướng tới giúp trẻ sử dụng tiếng Việt là phương tiện để phát triển bản thân. Có như vậy, việc sử dụng tiếng Việt với trẻ em ở nước ngoài mới đạt được mục đích lâu dài. 

Tại tọa đàm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu bộ sách “Chào tiếng Việt" do tác giả Nguyễn Thụy Anh biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi.  

Bộ sách gồm 6 cuốn chia theo các cấp độ. Trong đó, sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ em thông qua trò chơi, hoạt động cụ thể để khơi dậy trong các em sự thích thú sử dụng tiếng Việt khi giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt. Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam.  

Bộ sách “Chào tiếng Việt” cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy cô giáo, các phụ huynh hướng dẫn trẻ em học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc trong các gia đình người Việt ở nước ngoài. Bộ tài liệu này cũng hữu ích cho quá trình dạy và học tiếng Việt trong các trường quốc tế ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục