Tôn vinh các ngành nghề, tưởng nhớ các tổ nghề

Chương trình “Hành trình tìm kiếm tổ nghề Việt Nam” nhằm tôn vinh các ngành nghề và tưởng nhớ, tri ân các vị tổ nghề của Việt Nam.
Chương trình truyền thông mới mang tên “Hành trình tìm kiếm tổ nghề Việt Nam” sẽ được Tổ hợp xuất bản VietBook, Nhà Xuất bản Thông tấn (TTXVN) và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình này nhằm tôn vinh các ngành nghề và tưởng nhớ, tri ân các vị tổ nghề (người có công sáng lập, phát minh và truyền bá một nghề) của Việt Nam (giai đoạn I) và thế giới (giai đoạn II).

Chương trình sẽ xuất hiện dưới nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như báo chí, sách, truyền hình, Internet...

Chương trình truyền hình đầu tiên sẽ phát sóng ngày 15/1/2010 và bộ sách “Tổ nghề Việt Nam và thế giới” dự kiến phát hành cuốn đầu tiên vào tháng 12 này, với tổng số 150 tập sách bằng hai thứ tiếng Việt-Anh.

Những người thực hiện chương trình này mong muốn kết thúc hành trình tìm kiếm Tổ nghề bằng việc xây dựng một đình thờ các tổ nghề tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào năm 2014, nơi thờ các vị tổ nghề, các vị sáng lập phường nghề, làng nghề truyền thống của 63 tỉnh thành.

Đình thờ các tổ nghề còn như một bảo tàng nghề nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, tập hợp các hình ảnh, thông tin tư liệu, giới thiệu sản phẩm và lịch sử các ngành nghề, đúc kết toàn bộ quá trình hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp và phát triển của các ngành nghề.

Theo Vụ Quản lý nghề (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Việt Nam có hơn 2.000 làng nghề, 60% số làng nghề có tổ nghề được nhân dân thờ phụng nhiều đời. Cả nước hiện có 427 Hiệp hội ngành nghề (Trung ương) và hàng nghìn hiệp hội nghề địa phương.

VietBook cho biết đã cùng Sở Nội vụ các địa phương và các Hiệp hội ngành nghề bước đầu tìm được 300 vị Tổ nghề ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, các nghề truyền thống đều có các vị tổ nghề được nhân dân thờ phụng nhiều đời, như nghề trồng dâu nuôi tằm với Bà chúa Quỳnh Hoa, nghề dệt với Thụ La công chúa, ngành dược với lương y Tuệ Tĩnh, nghề đúc đồng với vị Tổ Minh Không (một quốc sư danh tiếng của triều Lý).

Các nghề hiện đại hơn cũng có các vị Tổ nghề được vinh danh như danh nhân Đặng Huy Trứ (nghề nhiếp ảnh), nghề làm đèn lồng Hội An tri ân vị Tổ Xã Đường đã truyền dạy…

“Chúng tôi mong muốn khơi dậy niềm tự hào về nghề nghiệp trong mọi người dân Việt Nam, tri ân những người đi trước, cùng cộng đồng lưu giữ và phát triển các ngành nghề truyền thống trong xã hội hiện đại”, Tổng Giám đốc VietBook Lê Trần Trường An cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục