Ngày 10/10, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Phụ nữ Việt Nam duyên dáng, tự tin trong áo dài” với sự tham dự của các cựu nữ sinh trường Gia Long, Sài Gòn (trước đây), đại diện các bảo tàng và sinh viên học sinh trên địa bàn thành phố.
Tọa đàm nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của tà áo dài Việt Nam qua các thời kỳ chiến tranh và hòa bình; đồng thời phát huy và bảo tồn giá trị tinh thần, văn hóa độc đáo.
Ra đời từ thế kỷ 17, áo dài là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi chứa đựng trong đó là những tinh hoa, tâm hồn, tính cách của người Việt Nam dẫu trải qua nhiều thăng trầm và đến nay, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam.
Bà Trần Thị Tuyết Hoa, cựu sinh viên văn khoa, nguyên giảng viên Đại học Vạn Hạnh chia sẻ: “Chiếc áo dài màu trắng tinh khôi đã đi theo bà suốt từ thời sinh viên, thậm chí, trước kia, nhiều sinh viên học sinh khi tham gia biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam dù bị đàn áp, bao vây của kẻ địch vẫn mặc áo dài hừng hực ngọn lửa yêu nước.”
Dù không có nhiều dịp được mặc áo dài truyền thống do nghề nghiệp đặc thù, nghệ sỹ ưu tú Phan Ngọc Nga, Phó trưởng đoàn nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, khi mặc áo dài ra nước ngoài lưu diễn nhiều người nước ngoài đều rất thích thú và trân trọng.
Bà Nga cũng cảm thấy hết sức tự hào bởi chiếc áo dài đã tôn lên vẻ đẹp phụ nữ Việt gợi cảm, hấp dẫn nhưng cũng rất kín đáo, thùy mị, đoan trang.
Nam sinh viên Võ Công Hậu tham dự tọa đàm cho biết, người phụ nữ khi mặc áo dài sẽ tôn được dáng vẻ gọn gàng, đồng thời thể hiện bản sắc, văn hóa đặc trưng riêng của người phụ nữ Việt Nam, vì vậy cần giữ gìn và phát huy truyền thống đó.
Đối với nhiều người nước ngoài, hình ảnh chiếc áo dài cũng đã trở nên quen thuộc. Du khách nữ Norhazan, người Malaysia đang du lịch tại Việt Nam nói: “Chiếc áo dài được thế giới biết đến thông qua các phương tiện tiện truyền thông, báo chí, tivi, ngay cả trên đấu trường thể thao trong khu vực ASEAN. Áo dài Việt Nam rất đẹp, độc đáo và lịch sự. Vì vậy, các bạn Việt Nam nên giới thiệu chiếc áo dài truyền thống rộng rãi hơn nữa qua các hình thức giao lưu văn hóa.”
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để giữ gìn và bảo tồn áo dài dân tộc, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng đã mở một bảo tàng tư nhân trưng bày 36 bộ áo dài , trong đó 18 bộ thể hiện lịch sử áo dài qua thế kỷ 17, 18, 19 và những bộ áo gắn với những người phụ nữ Việt Nam lẫy lừng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa…
Đây cũng là một trong những hoạt động cho thấy sự trân trọng giá trị truyền thống, tinh hoa dân tộc của người dân Việt Nam của thế hệ sau.
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, áo dài, dẫu trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn tồn tại trong đời sống xã hội Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Bóng dáng áo dài vẫn hiện diện qua đồng phục nữ ở một số ngành như ngân hàng, du lịch, hàng không, bưu điện, giáo dục... và thậm chí xuất hiện áo dài đi chơi Xuân, dạo đường hoa Nguyễn Huệ.
Tuy nhiên, ngày nay lại rất hiếm gặp chiếc áo dài ở các công chức ngành văn hóa.
Bà Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa thành phố bày tỏ, cần tiếp tục mở rộng việc chọn áo dài sử dụng trong lễ phục trong tất cả các lễ hội, lễ tiếp khách quốc tế của ngành văn hóa.
Đối với hoạt động văn hóa mang tầm quốc tế, các cuộc thi người đẹp, hoa hậu Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần quy định áo dài là trang phục bắt buộc khi đăng quang nhằm thể hiện tinh thần dân tộc.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng áo dài có thể cách tân cho phù hợp với hơi thở thời đại nhưng cũng cần mặc đúng nơi, đúng giá trị truyền thống để tôn vinh được nét đẹp đằm thắm, dịu dàng, tự tin của phụ nữ Việt.
Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện nhiều hoạt động giao lưu để cho các bạn trẻ yêu thích việc mặc áo dài, không chỉ mặc trong dịp lễ hội, cưới hỏi mà còn được mặc trong những dịp quan trọng khác./.