100 năm cây càphê được du nhập và trồng ở Buôn Ma Thuột

Tôn vinh 100 năm cây càphê được du nhập và trồng ở Buôn Ma Thuột

Tối 10/3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015 đã diễn ra nhằm tôn vinh 100 năm cây càphê được du nhập và trồng ở Buôn Ma Thuột.
Chương trình nghệ thuật chào mừng tại buổi lễ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong không khí hân hoan, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, tối 10/3, tại Quảng trường 10/3 Buôn Ma Thuột, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội càphê-cacao Việt Nam, Tổng Công ty càphê Việt Nam và Ủy ban Nhân dân các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, gồm Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng tổ chức Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015.

Đây là dịp tôn vinh 100 năm (1915-2015) cây càphê được du nhập, trồng và phát triển tại vùng đất Buôn Ma Thuột.

Tham dự lễ hội có ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các Đại sứ, Tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn quốc tế và trên một vạn đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại tướng Trần Đại Quang hoan nghênh Đắk Lắk đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột với nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh những người trồng, chế biến càphê, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị xã hội có nhiều đóng góp đưa sản phẩm càphê ra thị trường thế giới, tăng thu nhập cho người lao động trồng càphê, thu hút khách du lịch đến vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong đó có sự đóng góp khá lớn của cây càphê; đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên quy hoạch vùng đất trồng càphê, nghiên cứu sản xuất, tuyển chọn các giống càphê mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, thâm canh, chế biến nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường học tập các quốc gia trồng nhiều càphê các phương thức chăm sóc, chế biến, xúc tiến thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cây càphê Việt Nam.

Đại tướng đề nghị các Bộ, ban, ngành cần nghiên cứu sớm các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho ngành càphê Việt Nam nói chung, càphê các tỉnh Tây Nguyên nói riêng phát triển bền vững…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh, Y Dhăm Ênuôl nêu rõ, Đắk Lắk có diện tích, năng suất, sản lượng càphê nhiều nhất cả nước. Sản lượng càphê nhân mỗi năm đạt từ 450.000 tấn trở lên, có sản phẩm càphê nhân xuất khẩu lớn nhất cả nước, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 700 triệu USD, đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách hàng năm của địa phương và trên 40 % sản lượng càphê của Việt Nam.

Cây càphê cũng giúp giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và trên 100.000 lao động gián tiếp. Càphê Đắk Lắk cùng với càphê của cả nước đã góp phần đưa sản lượng xuất khẩu càphê hàng năm của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới. Hiện nay, ngành càphê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường cà phê thế giới. Không chỉ là nước có sản lượng càphê xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới mà Việt Nam còn được nhắc đến bởi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng, thơm ngon và đậm đà hương vị đặc trưng của vùng đất đỏ bazan.

Đắk Lắk tổ chức Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa đại ngàn” để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm càphê Việt Nam nói chung, càphê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk nói riêng; khẳng định vị trí quan trọng của càphê Việt Nam trong ngành càphê thế giới. Đây cũng là cơ hội tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu…hướng đến sự phát triển bền vững của ngành càphê Việt Nam, càphê Buôn Ma Thuột, qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung, ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến nói riêng phát triển nhanh, bền vững, sớm đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên.

Lễ hội diễn ra từ ngày 9 đến 12/3 với quy mô và nhiều hoạt động đổi mới hơn so với những lần trước. Lễ hội gồm 15 chương trình chính thức, 5 chương trình phụ trợ có nội dung rất phong phú, đa dạng, đa sắc màu và hấp dẫn như Hội chợ, triển lãm chuyên ngành càphê, triển lãm thời sự, nghệ thuật về càphê, lịch sử đồn điền CADA (Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc), âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, Hội thảo triển vọng ngành hàng càphê, Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên….

Ngay sau buổi lễ là chương trình ca múa nhạc đặc sắc, hoành tráng ngợi ca Đảng, Bác Hồ vĩ đại, Tây Nguyên đổi mới giàu đẹp…Đông đảo người dân cũng được thưởng thức màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục