Tổn thất thực sự từ những cuộc chiến thương mại của Donald Trump

Phân tích kinh tế cho thấy sẽ chẳng ai chiến thắng trong cuộc chiến thương mại song phương trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, và Mỹ có thể sẽ trở thành kẻ thua cuộc nhiều hơn.
Tổn thất thực sự từ những cuộc chiến thương mại của Donald Trump ảnh 1Một cửa hàng của Huawei tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 26/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, trong một thời gian, ít nhất căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã trở thành “sự bình thường mới.”

Sau khi hai nước áp mức thuế cao với một lượng hàng hóa đáng kể của phía bên kia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiềm chế leo thang.

Tuy nhiên, sau vòng đàm phán thương mại song phương không đi đến kết quả hồi tuần trước tại Thượng Hải, Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc khác trị giá 300 tỷ USD kể từ ngày 1/9 tới. Nếu biện pháp mới này có hiệu lực, gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị đánh thuế.

Mặc dù Mỹ cũng áp đặt các hàng rào phi thuế quan trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng các biện pháp thuế “ăn miếng trả miếng” là thành tố rõ ràng nhất trong cuộc đối đầu - và có thể sẽ làm tổn hại tới Mỹ nhiều hơn tới Trung Quốc.

Một cách để so sánh những hạn chế trong chính sách thương mại của các quốc gia đó là nhìn vào mức thuế trung bình của họ. Đối với Mỹ, con số này dường như mang tính khá trấn an dư luận.

Trước khi Trump nhận nhiệm sở, mức thuế trung bình của Mỹ với hàng nhập khẩu công nghiệp chỉ khoảng 2%, thấp hơn con số của Trung Quốc. Thậm chí dưới thời Trump, con số này đến nay không tăng quá nhiều.

Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng số hàng nhập khẩu của Mỹ, và mức thuế 25% tác động đến khoảng 1/2 hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này cho thấy mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ đã tăng khoảng 3%, lên mức 5%, một con số dường như không quá cao.

Tuy nhiên, mức thuế trung bình là chỉ dấu sai lầm. Lý thuyết kinh tế cho thấy thuế quan gây tác động tiêu cực không cân xứng tới phúc lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Việc áp thuế 25% với lượng hàng hóa nhất định sẽ tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều so với mức thuế trung bình 3%.

Hơn nữa, các biện pháp thuế của Trump chỉ nhằm vào các nhà sản xuất Trung Quốc chứ không phải các đối thủ cạnh tranh của họ ở châu Âu, Mỹ Latinh hay châu Á. Biện pháp thuế nhằm vào một nước cụ thể như vậy không khác gì việc áp thuế chung với tất cả hàng hóa nhập khẩu trong khi lại trợ cấp sản xuất cho các nhà sản xuất cạnh tranh ở ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, khoản trợ cấp này được chi trả bởi người tiêu dùng Mỹ dưới hình thức giá thành tăng lên. Mặc dù Trung Quốc trước đó đã trả đũa Mỹ bằng việc áp thuế 25% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng tác động tiêu cực với nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ mang tính giới hạn bởi hàng hóa Mỹ chỉ chiếm chưa đầy 1/10 tổng số hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

[Thương chiến Mỹ-Trung: Con tàu đang trượt khỏi đường ray]

Các biện pháp thuế trả đũa của Trung Quốc do vậy sẽ có tác động nhỏ tới nền kinh tế nước này. Và Trung Quốc đã hạ mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước còn lại trên thế giới.

Hơn nữa, một phần lớn hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc là hàng nông sản, như đậu nành, mặt hàng mà Trung Quốc có thể dễ dàng nhập khẩu từ Brazil với mức giá tương đương nếu cần thiết. Mỹ sau đó sẽ phải xuất khẩu nhiều đậu nành hơn sang các thị trường vốn trước đây là “sân chơi” của các nhà sản xuất Brazil, bao gồm các thị trường châu Âu.

Mỹ cũng tăng cường các hàng rào phi thuế quan như một phần của chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là việc Trump đưa tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei vào “danh sách đen,” theo đó các công ty Mỹ bị cấm bán các sản phẩm cho công ty này.

Trump đã nói rằng trong thời điểm hiện nay, các nhà cung cấp của Mỹ có thể đệ đơn xin cấp phép để được tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei. Tuy nhiên, từ giờ trở đi, các công ty công nghệ Mỹ rõ ràng sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi ký kết các hợp đồng dài hạn với Huawei hay các công ty lớn khác của Trung Quốc có nguy cơ bị đưa vào “danh sách đen.”

Trong khi đó, chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để không phụ thuộc vào Mỹ trong việc cung cấp các thiết bị công nghệ chủ chốt. Mối đe dọa bị đưa vào “danh sách đen” từ nay trở đi sẽ là rào cản vô hình với thương mại Mỹ-Trung. Và bởi rào cản này chỉ nhằm vào Trung Quốc nên nó sẽ gây tổn hại tương tự như các biện pháp thuế nhằm vào một nước cụ thể.

Phân tích kinh tế cho thấy sẽ chẳng ai chiến thắng trong cuộc chiến thương mại song phương trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.

Với việc bắn “loạt đạn” thuế mới nhất nhằm vào Trung Quốc, Trump đã làm gia tăng nguy cơ hơn nữa trong cuộc chiến ngày một tổn thất này. Và Mỹ có thể sẽ trở thành kẻ thua cuộc lớn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục