Tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích chùa Bút Tháp

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất về chủ trương lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tại Công văn số 2014/UBND-VX ngày 1/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất về chủ trương lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự), xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

Bộ cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án.

Bộ sẽ xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi thỏa thuận dự án, trên cơ sở ưu tiên cho tu bổ, tôn tạo các hạng mục gốc của di tích.

Chùa Bút Tháp nằm ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có nhiều tháp, nổi tiếng nhất là tháp Báo Nghiêm cao 13m bằng đá, tám mặt và còn được gọi là tháp bút nên chùa có tên là Bút Tháp. Chùa có tên chữ là Ninh Phúc Tự.

Chùa được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê theo kiểu "nội công ngoại quốc," với bố cục gọn gàng và rất sinh động. Các đơn nguyên kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên ở khu vực xung quanh.

Ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông hai tầng tám mái, kế đó là chùa Hộ, nhà Thượng điện, Cầu Đá, toà Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, nhà Hậu Đường và kết thúc là hàng tháp đá sau nhà Hậu Đường, trong đó có tháp đá Tôn Đức năm tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị Thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa.

Bên trái chùa có nhà thờ tổ Chuyết Chuyết và ngôi tháp đá tám mặt, năm tầng cao 13m là nơi táng xá lị của Thiền sư Chuyết Chuyết.

Đây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ và nét nguyên sơ hấp dẫn của nó với sự dung hội hai nền văn hóa Việt-Hoa./.
 
Thái Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục