Tôn giáo nhại ở Nhật được sáng lập để tín đồ có cơ hội nói lời từ chối

Hisano, người chỉ mới 21 tuổi khi thành lập tôn giáo nhại MtoP, tuyên bố rằng anh chỉ muốn cho mọi người một lý do chính đáng để thoát khỏi những điều họ không muốn làm.
(Nguồn: MtoP/Twitter)

MtoP là một tôn giáo nhại, được tạo ra chỉ để cho những tín đồ có “lý do tôn giáo” khi nói lời từ chối. Ví dụ, họ có thể viện dẫn niềm tin để từ chối làm việc ngoài giờ.

Viết tắt của “Motohiro to People,” giáo phái MtoP được thành lập vào năm 2018 bởi một người đàn ông trẻ tuổi tên là Motohiro Hisano. “Vị thánh” này nói rằng anh ta không có phép lạ hay siêu năng lực nào khác ngoài khả năng ban tặng sức mạnh của “lý do tôn giáo” cho các tín đồ.

Trên thực tế, đó là mục đích duy nhất của giáo phái MtoP vì người sáng lập không muốn được tôn thờ cũng như không nhận bất kỳ hình thức đóng góp tài chính nào.

Mặc dù giáo phái này cũng có giáo lý riêng nhưng không yêu cầu các tín đồ phải tuân theo một cách nghiêm ngặt. Tất cả những gì họ phải làm để được xem là tín đồ của MtoP là theo dõi tài khoản Twitter chính thức của giáo phái.

“Thật là tồi tệ và chán chường nếu bạn dành thời gian cho những việc mình không muốn làm. Vì vậy, hãy giảm bớt thời gian làm thêm giờ không cần thiết” là một trong những lời dạy của giáo phái MtoP.

Làm thêm giờ luôn là một vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản, một quốc gia có từ riêng để chỉ “cái chết do làm việc quá sức” - karoshi. Vì vậy, giáo phái của Motohiro Hisano và các giáo lý của nó đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ giới truyền thông và công chúng.

[Trung Quốc: Dân ở làng biệt lập dành 15 năm mở đường xuyên núi]

Hisano tuyên bố rằng anh chỉ muốn cho mọi người một lý do chính đáng để thoát khỏi những điều họ không muốn làm.

Luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm phân biệt đối xử dựa trên ý thức hệ hoặc tín ngưỡng, vì vậy nếu bạn chỉ là một tín đồ của tôn giáo mà không bằng lòng với việc làm thêm ngoài giờ, bạn có thể viện dẫn “lý do tôn giáo” nếu không muốn làm việc.

Tuy nhiên, giáo phái MtoP không chỉ giúp các tín đồ thoát khỏi cảnh làm việc quá giờ. Giáo lý của nó còn đề cập đến các vấn đề khác như nghỉ thai sản, nghỉ phép có lương và thậm chí là quyền lợi khi tham gia các bữa tiệc...

Vì vậy, các tín đồ có thể sử dụng “lý do tôn giáo” trong nhiều tình huống. Giả sử, bạn được mời đến một bữa tiệc mà bạn không muốn tham dự, chỉ cần nói rằng bạn không thể tham dự vì lý do tôn giáo.

Khi Motohiro Hisano và tôn giáo nhại của anh lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình Nhật Bản vào năm 2019, MtoP chỉ có 700 người theo dõi trên Twitter. Ngày nay, tài khoản chính thức của MtoP đã có hơn 11.000 người theo dõi và cộng đồng các tín đồ đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Không rõ liệu các tín đồ của MtoP theo giáo phái này để có thể viện cớ “lý do tôn giáo” tại nơi làm việc của họ hay họ chỉ thích ý tưởng của Motohiro Hisano. Nhưng có một điều chắc chắn là chàng trai trẻ này đã thu hút được sự chú ý của quốc tế nhờ vào tôn giáo nhại lại của mình.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục