"Tôi thi trượt đại học và nỗi cô đơn, buồn tủi tới tận cùng giữa bãi tha ma"

Khi con thi trượt, phụ huynh hãy ở bên, động viên, đồng hành thay vì chỉ trích, so sánh; các em hãy chia sẻ nhiều hơn với người thân vì gia đình luôn là điểm tựa trong mọi sóng gió của cuộc đời...

Các thí sinh nghe phổ biến quy chế thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các thí sinh nghe phổ biến quy chế thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Cả nước đang giai đoạn cao trào thi cử khi các địa phương lần lượt công bố điểm thi lớp 10, và chỉ với tỷ lệ 60-70% học sinh được đỗ vào các trường công lập đồng nghĩa với việc có tới cả trăm nghìn em sẽ trượt ở kỳ thi này. Hơn một triệu thí sinh của Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đang “nín thở” chờ điểm thi, nghe ngóng để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Chẳng thí sinh nào muốn mình bị trượt, nhưng với kỳ thi xét tuyển cạnh tranh, điểm lấy từ trên cao xuống, việc có thí sinh bị trượt là không thể tránh khỏi.

Hơn 20 năm trước, tôi cũng là một trong những thí sinh như thế: Dẫm vào “vỏ chuối.” Và trượt.

Việc có thể trượt là điều tôi đã tiên liệu trước khi làm bài thi không được tốt, nhưng ai đi thi mà chẳng mong một phép màu, dù làm bài chưa tốt đi nữa vẫn nuôi hy vọng. Nhưng chẳng có phép màu nào, và tôi trượt thật. Đó là cú sốc lớn đầu đời. Nhưng có lẽ người sốc hơn cả tôi là mẹ.

Bố mẹ tôi đều làm ruộng. Vì quá vất vả, bố mẹ tôi chỉ mong con cái học hành để có thể vươn ra khỏi lũy tre làng, không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dù bố mẹ phải chạy vạy vay nợ khắp nơi.

Suốt 12 năm học phổ thông, tôi chưa bao giờ làm mẹ phải phiền lòng về chuyện học hành. Từ lớp 6 đến lớp 12, tôi đều trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, dù không được giải cao nhưng cũng là niềm vui của mẹ. Học chuyên văn nhưng tôi vẫn học khá tốt cả các môn khoa học tự nhiên, luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Khi nhiều phụ huynh đề nghị phải đổi giáo viên dạy môn Sinh học vì cho rằng cô chặt chẽ, điểm kiểm tra và điểm thi rất thấp, thì tôi vẫn được 8,4 điểm tổng kết cuối năm ở môn học này. Cần phải nói rằng hơn 20 năm trước, điểm học bạ không “lạm phát” như bây giờ.

Mẹ tin tưởng tôi đến mức khi tôi quyết định sẽ tự ôn thi vào lớp 10, mẹ cũng không phản đối. Thành tích học tập của tôi tất nhiên còn khiêm tốn hơn rất nhiều người, nhưng cũng đủ để mẹ tôi được “nở mày nở mặt” trong các cuộc họp phụ huynh ở lớp suốt 12 năm học.

Vì vậy, việc tôi trượt đại học thực sự là một cú sốc quá lớn với mẹ.

ttxvn_thi tot nghiep30.jpg
Các thí sinh đến làm thủ tục dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Một hôm, mẹ tôi đi chợ về, vừa vội vàng lao qua sân, vừa quăng cái thúng lên hiên nhà, vừa òa khóc bảo ở chợ, người ta xì xầm chỉ trỏ sau lưng: Tưởng con học hành thế nào, trường chuyên lớp chọn, giải này giải kia, học sinh giỏi toàn diện, mà trượt đại học.

Bố tôi lập tức bảo: “Con thi trượt, con đã buồn lắm rồi, đừng làm con buồn thêm nữa.” Tôi biết mẹ cũng như tôi, mẹ cần khóc cho vơi nỗi buồn trong lòng mẹ. Mẹ liếc nhìn tôi, và từ đó, mẹ không bao giờ nói về việc tôi thi trượt thêm một lần nào nữa.

Tôi thu mình trong thế giới riêng. Bạn bè, đứa đỗ không dám đến vì sợ tôi tủi thân, đứa trượt cũng chẳng muốn đi đâu như tôi. Tôi vẫn hát véo von suốt ngày, đến mức bác hàng xóm còn phải thắc mắc với mẹ tôi vì sao tôi thi trượt mà không buồn, vẫn còn hát được.

Một ngày, đứa bạn thân mời tôi đến liên hoan để hôm sau lên trường nhập học. Tối hôm đó, tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi ngồi hì hụi cẩn thận chép lại cả bài văn dài dằng dặc đến mấy trang A4 của tôi để tặng bạn, bài văn mà bạn tôi từng nói là nó thích. Sau này, tôi mới hiểu, tôi không chép bài văn ấy cho nó, tôi chép cho chính tôi, cho sự nuối tiếc về những ngày đã qua.

Tôi không dự bữa liên hoan, chỉ chúc mừng bạn rồi về. Giữa trưa Hè, đạp xe một mình trên cánh đồng làng, giữa mênh mông đồng lúa không một bóng người, dòng sông uốn lượn lặng như tờ, nỗi cô đơn, nỗi buồn chất chứa, dồn nén bao lâu trong tôi như bung ra không thể nào kiềm chế được nữa. Tôi đạp xe lao xuống khu nghĩa trang đầu làng, chui vào ngôi mộ to nhất, có thể che khuất tôi khỏi mọi tầm nhìn, rồi cứ thế, tôi khóc, như chưa bao giờ được khóc, trút bỏ tất cả những vỏ bọc mạnh mẽ mà tôi cố phơi ra hàng ngày.

Khóc cho thật to, thật đã, rồi tôi gạt nước mắt, lau mặt cho thật khô, rì rầm khấn vái cảm ơn và đạp xe trở về nhà, nhưng trong lòng tôi đã nhẹ nhõm rất nhiều.

Và, tôi thấy mình đã sẵn sàng để đứng lên, bước tiếp.

Nhìn lại, tôi thấy mình phải cảm ơn cú sốc lớn đầu đời vì đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, can trường hơn trước những thất bại. Một năm ôn thi lại đại học cũng giúp tôi phát hiện ra mình yêu thích Lịch sử như thế nào, giúp tôi rèn giũa khả năng tư duy, phân tích dữ liệu tốt hơn rất nhiều qua môn Địa lý, tôi cũng bớt bay bổng mà thực tế hơn. Điều quý giá hơn nữa là tôi có một năm được ở bên bố mẹ tôi nhiều hơn, điều mà sau này, tôi thật hiếm có cơ hội để làm.

Nếu cho tôi quay lại hơn 20 năm trước, tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn với những người thân yêu của mình, với bố mẹ tôi, anh chị tôi, để được thấu cảm và yêu thương nhiều hơn.

Kể câu chuyện của mình, tôi chỉ mong rằng các phụ huynh hãy ở bên, chia sẻ, động viên, đồng hành cùng con thay vì chỉ trích và so sánh khi con vấp ngã. Tôi cũng mong các em học sinh hãy chia sẻ nhiều hơn với người thân vì gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho chúng ta trong mọi sóng gió của cuộc đời.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục